Tu hành là một bước ngoặt quan trọng đối với
mỗi thanh thiếu niên Lào (nam giới). Trong cuộc đời mỗi người Lào trước đây,
hầu như ai cũng qua một đôi lần cạo đầu đi tu, việc đi tu trở thành tục lệ phổ
biến đối với người Lào.
|
Các nhà sư đi khất thực ( Tắc bạt, sày bạt) |
Những người qua tu hành được coi như là người “lành”, người Lào gọi là
“khôn xúc” (người chín) được xã hội trọng vọng, một trong những tiêu chuẩn được
các cô gái ngưỡng mộ. Trong suốt cuộc đời, nếu không qua một lần đi tu là điều
không bình thường trong xã hội Lào trước kia. Tục lệ đi tu ở Lào xưa kia phát
xuất từ quan niệm của Phật giáo là thuyết luân hồi và khái niệm về dục vọng.
Theo triết lý của đạo Phật ở Lào thì cuộc đời con người được coi là bể khổ,
nguồn gốc của nỗi khổ ấy là dục vọng (tăn-hả). Khái niệm về dục vọng được chia
làm nhiều loại như: xác thịt (kăm-tăn-hả), danh vọng, giàu sang (pha-vạ-tăn-hả)
và những điều không muốn mà nó cứ đến (vi-pha-va-tăn-hả). Con người muốn thoát
khỏi cái bể khổ ấy chỉ có một con đường là từ bỏ dục vọng. Không cắt bỏ được
dục vọng thì con người cứ lẩn quẩn trong cái vòng luân hồi (viên-cợt), dù có
đầu thai sang kiếp khác vẫn cứ bị chìm đắm trong bể khổ. Còn dục vọng thì con
người cứ quẩn quanh giữa hành động (kăm-mạ), hậu quả (vĩ-bạp) và tội lỗi
(ki-la-tăn-hả). Kiếp sau có được sống hạnh phúc (xuc-cạ-ti-phạp) hay là khổ sở
hơn (thúc-kha-ti-pháp) phụ thuộc vào tỷ lệ giữa phúc và tội từ kiếp trước. Hình
thức tránh được tội lỗi và tích được nhiều phúc đức là con đường tu hành.
Trên đây là quan niệm nhân sinh quan của các
phật tử thuộc tầng lớp trí thức phong kiến quý tộc ở Lào. Còn đa số phật tử là
nông dân lao động thì cho rằng tu hành là một tập quán xã hội hoặc khi gia đình
xảy ra tai biến. Quan niệm này được thể hiện khá rõ trong các trường hợp đi tu
của thanh niên Lào trước đây. Phổ biến nhất là đi tu theo tập quán của xã hội.
Người con trai đến tuổi trưởng thành cha mẹ phải lo cho con đi tu một thời gian
theo lệ của bản mường. Thời gian và số lần đi tu tùy thuộc mỗi gia đình. Tuy
không phải là điều bắt buộc nhưng qua nhiều thế hệ dường như ít có phật tử nào
không làm theo tập quán này. Trường hợp thứ hai người thanh thiếu niên Lào tạm
khoác áo cà sa một thời gian khi gia đình xảy ra tai biến như bố mẹ chết, lâm
bệnh trầm trọng hoặc xảy ra những tai nạn bất ngờ. Cha hay mẹ chết, người con
trai thường phải đi tu để tích thêm phúc đức giúp cha mẹ được đầu thai ở kiếp
sau sung sướng hơn. Sau trận ốm “thập tử nhất sinh” của ông bà, cha mẹ, con
cháu cũng đi tu một thời gian nhất định để có thêm phúc đức giúp người bệnh
vượt qua mọi sự mệt mỏi, bình phục nhanh chóng.
Ngoài ra còn có một số trường hợp khác người
Lào cũng cạo đầu đi tu nhưng không phổ biến. Chẳng hạn làm ăn gặp nhiều trắc
trở, liên tiếp bị thua lỗ cũng cho con đi tu để cầu mong gặp sự may mắn. Có
người cha mẹ chết sớm, không có anh em họ hàng thân thích, cảm thấy cô đơn nên
phải nhờ tu hành để tìm lại niềm lạc quan, tin tưởng trong cuộc sống. Lại có
người cảm thấy tâm hồn trống trải, cằn cỗi không hòa nhập được với cộng đồng,
thiếu niềm tin ở cuộc sống trần tục nên đã gửi gắm cả cuộc đời mình vào chốn
cửa Phật với hy vọng mọi sự tốt đẹp ở kiếp sau.
Việc tu hành trở thành tục lệ phổ biến nhưng
vẫn có những quy định tối thiểu đối với người thanh thiếu niên trước lúc đi tu.
Trước hết người xin đi tu phải đủ tuổi. Ở vùng Đông Bắc Thái Lan quy định phải
hai mươi tuổi trở lên mới được công nhận là nhà sư, dưới hai mươi tuổi ai đi tu
mới chỉ là chú tiểu. Người xin đi tu phải là người sinh sống lương thiện có gia
đình, bà con cư trú ở một bản mường nhất định. Người thanh niên xin nhập tu
phải có tư cách đúng đắn, sống lành mạnh, không nghiện rượu, đam mê cờ bạc hoặc
hút thuốc phiện. Về sức khỏe, phải có cơ thể lành lặn không mắc các bệnh mãn
tính, tâm thần, nếu mắc bệnh thông thường có thể hoãn một thời gian để chạy
chữa. Về trình độ văn hóa, người xin nhập tu tối thiểu phải biết đọc, biết
viết. Đối với những người chuyên trộm cướp, có tội với bản mường, phạm pháp
đang bị truy nã, bị kết án…không được vào tu. Nói chung nhà chùa nghiêm cấm
những kẻ lợi dụng cửa Phật để trốn tránh tội lỗi, nghĩa vụ đối với xã hội hoặc
công nợ do làm ăn thua lỗ.
Khi có đủ điều kiện, gia đình và người xin
đi tu phải làm lễ nhập tu theo quy định của nhà chùa gọi là “Kong-buột”. Trước
hết cha mẹ mua nến, hương hoa rồi dẫn con lên chùa tỏ ý xin đi tu và nhờ vị sư
thầy giúp đỡ. Sau khi được vị sư trụ trì ở ngôi chùa chấp thuận và định ngày
tháng nhập tu, nhà chùa sẽ báo tin cho các tín đồ trong bản mường biết gọi là
“Pạ-khên-nác” nghĩa là “dâng Rồng”. Thông thường nhà chùa hẹn trước lễ nhập tu
ba mươi ngày. Đây là thời gian quan trọng để nhà chùa trang bị cho người thanh
niên sắp đi tu những điều cần thiết như cách xưng hô, đi đứng, ngồi, quỳ, vái
lạy, được coi là yêu cầu cơ bản phải thuần phục ngay từ ngày nhập tu cũng như
trong suốt thời gian tu hành. Ở một số địa phương người sắp đi tu còn phải học
thêm chữ “thăm”-loại chữ ghi chép kinh kệ trên các tập lá cọ.
Đối với gia đình có con em sắp đi tu thì đây
cũng là thời gian rất quý để chuẩn bị cho ngày lễ được chu đáo hơn, ngoài nến,
hương, hoa, vải, vàng, dao cạo đầu, chủ lễ còn lo liệu thức ăn, các loại bánh
dân tộc để dâng lên chùa và thết đãi bà con họ hàng, xóm giềng đến dự. Với nhà
chùa, đây cũng là thời gian cần thiết để hiểu thêm về người đi tu thông qua các
Phật tử trong bản mường.
Ở Lào cũng như Thái Lan sắp đi tu gọi là
“Nác”. Theo tiếng Lào “Nác” có nghĩa trong sạch hoặc rồng. Trong trường hợp này
được gắn với nghĩa Rồng bởi nó xuất phát từ một truyền thuyết được lưu truyền
rộng rãi ở Lào cũng như Thái Lan. Theo các già bản, truyền thuyết đó có thể tóm
tắt như sau: Thưở xa xưa thấy các chàng trai trong bản làng đến tuổi mười tám
đôi mươi ai cũng cạo đầu đi tu một thời gian, chúa Rồng cũng hóa thành một
chàng trai khôi ngô tuấn tú xin đi tu. Nhưng đến khi ngủ thì nhà sư kia lại
hiện nguyên hình là một chúa Rồng. Một đêm nọ tung tích của nhà sư ấy bị lộ và
đến tai Phật. Hay tin, Phật bèn cho mời chúa Rồng lên hỏi hư thực ra sao và
khuyên nên sớm thoát tục. Để biểu hiện sự lưu luyến đối với việc tu hành và ghi
nhớ những ngày tháng ngắn ngủi đầy hấp dẫn ấy, trước lúc rời nhà chùa, chúa
Rồng ngỏ ý muốn Phật cho lấy tên mình để gọi các chàng trai sắp đi tu. Để đáp
lại lòng thiết tha chân thành của chúa Rồng, Phật chấp nhận và từ đó những
người chuẩn bị cạo đầu đi tu đều được các Phật tử gọi là “Nác”.
Sau non một tháng tập trung học ở chùa,
trước buổi lễ nhập tu một đôi ngày, người thanh niên được xuống bản chào các
già bản, ông bà, cha mẹ, xóm giềng và bè bạn thân thiết khác. Nếu có vay mượn,
nợ nần ai thì cũng trang trải cho xong xuôi để lúc nhập tu lòng được thanh
thản. Tục này người Lào gọi là “Pòi-nác” (thả Rồng).
Đúng ngày giờ đã hẹn, gia đình có con em sắp
đi tu làm lễ gọi là “Kong-buột”. Lễ nhập tu có thể tổ chức ở nhà hay ở chùa tùy
mỗi gia đình. Nếu trong bản có hai, ba người làm lễ nhập tu cùng một ngày thì
thường tổ chức ở chùa cho rộng rãi, tiện lợi và vui vẻ hơn. Ngay từ buổi chiều
trước ngày lễ nhập tu, tại gia đình chủ lễ đã nhộn nhịp đông vui. Để chia sẻ
niềm vui đối với gia đình chàng trai sắp đi tu, anh em, họ hàng, xóm giềng, bè
bạn tấp nập đến thăm hỏi, chúc mừng. Hầu như ai đến mừng cũng mang theo tặng
phẩm dù chỉ là một âu hoa tươi, gói nến, bó nhang, đĩa trầu cau, bó thuốc lá…
để thể hiện tình nghĩa bản làng, góp phần làm cho lễ nhập tu thêm ấm cúng,
trang trọng. Khi bà con dân bản đến đông đủ, nghi lễ chúc mừng được bắt đầu một
cách long trọng. Mọi người chắp tay trước ngực, kính cẩn nghe tăng lữ tụng kinh
cầu nguyện. Đến tối tổ chức vui chơi, múa hát gọi là “ngăn-kong-buột”. Gia đình
có con cháu đi tu trở thành một ngày lễ hội. Đây cũng là dịp gặp gỡ ca múa, tỏ
tình tỏ ý của trai gái trong bản làng và các bản lân cận. Mọi người đến dự đêm
vui “ngăn-kong-buột” đều bày tỏ niềm vui, chân thành chúc mừng gia chủ có con
đi tu, sẽ tích thêm nhiều phúc đức, bản làng sẽ có thêm một người “lành”, một
tri thức. Đặc biệt sự có mặt của các cô gái, các chàng trai, thường góp phần
quan trọng làm cho đêm vui thêm rộn ràng, náo nhiệt. Theo người Lào tục vui
chơi, ca múa trước lúc nhập tu là sự khích lệ đối với gia đình và chàng trai
sắp tạm biệt cuộc sống trần tục.
Sáng sớm ngày lễ nhập tu, gia đình làm lễ
dâng cơm, bánh trái cho sư (Liễng-phạ). Tiếp theo gia đình, bà con, xóm giềng
mặc những bộ váy áo dân tộc đến tham dự đám rước chàng trai đi tu lên chùa gọi
là “hè nác” (rước Rồng). Thanh niên trai gái còn mang theo các loại nhạc cụ dân
tộc như trống, chiêng, khèn bè. Phương tiện để rước chàng trai tùy mỗi gia
đình, bản làng. Có nơi rước bằng voi, ngựa, thuyền hoặc kiệu. Ở các đô thị thời
hiện đại, các gia đình khá giả rước bằng ô tô nhưng hình thức phổ biến là rước
bằng kiệu gọi là “tiêng” hay “măng” (giường). Chàng trai khoác áo cà sa, mặc
“phạ-va”, quấn “phạ-biềng” (khăng quàng chéo qua ngực) màu vàng, đầu, lông mày
cạo nhẵn, ngồi nghiêm trang trên kiệu do bốn người khiêng. Theo sau kiệu là các
già bản, gia đình, bà con, xóm giềng, bầu bạn. Họ vừa đi vừa múa hát reo hò xen
lẫn tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khèn réo rắt, sôi động. Đám rước thường đi
vòng quanh bản rồi mới lên chùa. Nếu trong bản hay bản lân cận cũng tổ chức
rước “Nác” trong ngày cùng một chùa thì thường hẹn nhau ở một cánh đồng hoặc
dưới cây cổ thụ để nhập thành một đoàn cho thêm phần tưng bừng náo nhiệt. Khi
đi vào sân chùa đám rước đi quanh ngôi “xỉm” (ngôi nhà để các pho tượng Phật) ba
vòng từ trái sang phải.
Đám rước kết thúc, mọi người vào chùa làm lễ
cầu yên cho chàng trai (xù-khoẳn-Nác). Người đi tu ngồi sát mâm lễ, phía sau là
cha mẹ, bà con, xóm giềng. Phía trong là sư thầy và các nhà sư, chú tiểu trong
chùa. Sau những lời cầu nguyện mọi sự tốt lành của chủ lễ, mọi người lần lượt
buộc chỉ cổ tay cho người đi tu. Lễ “xù-khoẳn-Nác” xong cha hay mẹ dẫn người
con nhập tu vào “xỉm”. Nếu cha thì dắt tay trái, mẹ thì dắt tay phải. Trường
hợp không còn cha mẹ thì người thân thay thế. Vào “xỉm” người đi tu vào thắp
hương lạy Phật rồi trở về ngồi bên cha mẹ để nhận thêm áo quần của nhà chùa.
Sau đó người tu chắp tay lạy cha mẹ, chào tạm biệt họ hàng, bè bạn rồi vào ngồi
cùng các nhà sư trong chùa, hai tay cung kính chắp trước ngực, mắt hướng về
phía sư thầy hứa làm tròn bổn phận một nhà tu hành và xin thực hiện “xỉn-síp”
(thập giới). Sư thầy khoác bình bát lên vai người mới nhập tu và căn dặn một số
điều cần thiết và từ giờ phút này chàng trai chính thức trở thành một nhà sư ở
ngôi chùa. Lễ nhập tu kết thúc, bà con dân bản trở về nhà trong không khí vui
vẻ, tin tưởng. Các chàng trai cô gái lại nổi trống, chiêng múa hát cho đến lúc
chia tay nhau tại nhà chàng trai mới đi tu.
Ba ngày đầu mới nhập tu nhà sư được học thêm
một số điều răn khác nữa. Chẳng hạn người đi tu chỉ được mặc áo cà sa do nhà
chùa cấp. Hàng ngày phải đi khất thực. Người đi tu có thể uống các nước lá cây
rừng nấu (giống lá vối, ngành ngạnh) hoặc ngồi một mình dưới các gốc cây trong
chùa. Người đi tu tuyệt đối không được đàn hát, giết súc vật, ăn cắp… Trong ba
ngày đầu, từ sáng sớm nhà sư thường khoác bình bát đi khất thực và mang theo
một lọ nước mát. Khi nhận thức ăn do các Phật tử dâng cúng phải dùng hai tay
đỡ, nếu là con gái phải lấy khăn lót. Nhận thức ăn xong, nhà sư lui lại mấy
bước rồi ngồi xuống, một tay để xuôi xuống ngực, một tay cầm lọ nước rỏ xuống
đất cầu mong cho phúc đức lan rộng trong thế gian, con người tránh được nghiệp
chướng, bệnh tật. Lễ rỏ nước được tiến hành trong ba ngày đầu mới nhập tu gọi
là “dạt-nẵm”. Từ ngày thứ tư trở đi, gia đình có con mới đi tu thường làm lễ
cầu yên cho con. Sau khi dâng xôi, bánh trái, cho sư trên chùa, gia đình còn
soạn mâm lễ buộc chỉ cổ tay cho người mới đi tu.
Xưa kia, không ít người Lào đã từ bỏ cuộc
sống trần tục giành trọn cuộc đời mình cho việc tu hành. Nhưng dần dần quan
niệm về tu hành cũng có sự đổi thay. Việc đi tu đối với thanh niên Lào ngày
càng phổ biến nhưng thời gian được rút ngắn hơn. Số người đi tu mười lăm hai
mươi năm cũng chỉ là cá biệt. Người thanh niên đi tu không bị ràng buộc bởi
thời gian, muốn nhập tu bao lâu hoàn toàn do người đi tu và gia đình
quyết định.
Qua một thời gian tu hành, gia đình muốn cho
con cháu trở lại với cuộc sống trần tục, về sum hợp với gia đình, tham gia lao
động sản xuất thì chỉ qua một nghi thức đơn giản gọi là “kong-síc”. Sau khi ngỏ
ý với sư thầy và hẹn ngày giờ, gia đình soạn một mâm “khoẳn” gồm nến, hương,
hoa dâng lên chùa. Người sư xin thoát tục đến lạy Phật và nhận mọi lỗi lầm đã
phạm phải trong thời gian khoác áo cà sa và hứa hẹn trở về cuộc sống trần tục
sẽ suy nghĩ, hành động xứng đáng với người đã qua tu hành. Sau ba lần đọc lời
hứa, nhà sư xin thoát tục ra ngoài cởi bộ cà sa vàng, mặc bộ đồ trắng rồi quay
lại chào sư thầy và các nhà sư khác trong chùa. Các nhà sư tụng kinh cầu phúc
đức cho người xin thoát tục, dứt phần kinh các nhà sư đọc “xá-thụ”, thì người
xin thoát tục cúi lạy ba lần rồi lại gần sư thầy nhận nước phép. Cuối cùng
trước khi ra về, người xin thoát tục một lần nữa vái chào sư thầy và các
nhà sư còn tiếp tục tu hành. Đối với chú tiểu khi thoát tục được miễn
nghi thức này.
Ngày nay, sau hơn một phần tư
thế kỷ, đất nước hoàn toàn độc lập thống nhất, tục đi tu đối với thanh niên Lào
tuy vẫn tồn tại nhưng không còn phổ biến như xưa. Bởi mặt bằng dân trí không
ngừng được dâng cao. Và từ thực tiễn lịch sử, nhất là hai cuộc kháng chiến oanh
liệt chống ngoại xâm, rồi qua hơn hai thập kỷ xây dựng đất nước bảo vệ độc lập
chủ quyền, các nhóm dân tộc Lào đã thấy rõ để có một cuộc sống ấm no hạnh phúc,
một xã hội công bằng văn minh, một quốc gia độc lập thịnh vượng không thể bằng
con đường tu hành, cầu nguyện, tích phúc đức.