Một số phong tục tập quán chủ yếu của nhân dân Lào
Nhân dân Lào
có nhiều phong tục tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử. Những phong
tục tập quán ấy trở thành lệ làng, nhân dân Lào gọi là “hịt bản khong mương”, được các thành viên trong bản mường thừa nhận và tự giác thực
hiện. Thành viên nào làm trái lệ làng sẽ bị phạt, hình thức phạt do các già bản
và tập thể bản mường quyết định. Hầu hết các phong tục tập quán tốt đẹp của
nhân dân có cội nguồn từ bản sản xuất nông nghiệp. Còn bản mường Lào là cái nôi
nuôi dưỡng và bảo vệ một cách có hiệu quả các phong tục tập quán cổ truyền của
dân tộc. Dù có những biến đổi trong mỗi giai đoạn lịch sử, sự khác biệt về hình
thức giữa các địa phương, song những phong tục cổ truyền của nhân dân Lào vẫn
là tấm gương phản chiếu một phương thức sản xuất, một hình thái sinh hoạt nhất
định của xã hội.
Nước Lào nằm
sâu trong lục địa châu Á, nơi giao tiếp giữa hai nền văn minh cổ đại nổi tiếng Ấn
Độ Và Trung Hoa. Bởi vậy trong quá trình lịch sử, nhân dân Lào còn tiếp thu các
trào lưu văn hóa tràn qua vùng này, ảnh hưởng sâu sắc nhất là Phật giáo và văn
hóa Ấn Độ. Việc đạo Phật được truyền bá rộng rãi ở Lào là bước ngoặt quan trọng
đối với nền văn hóa cũng như phong tục tập quán của Lào. Sự giao lưu văn hóa của
các nước láng giềng cũng tác động ít nhiều đến tập quán của nhân dân Lào. Nhưng
những yếu tố khách quan đó càng làm cho bản sắc dân tộc thêm đậm đà, phong phú,
giàu sức sống để vượt qua những thử thách quyết liệt gần hai thế kỷ, trước
chính sách đồng hóa dân tộc của phong kiến Khơ-me, Xiêm và thực dân Pháp.
Nước Lào đất rộng,
dân không đông lại gồm nhiều dân tộc, bộ tộc. Tuy cùng sinh sống bằng nghề nông
nhưng trình độ sản xuất không đồng đều nên phong tục tập quán ở mỗi miền có sự
khác biệt, thậm chí trong một tỉnh cũng không hoàn toàn đồng nhất. Vì thế mà
phong tục tập quán ở Lào rất đa dạng thể hiện rõ trình độ sản xuất sinh hoạt của
mỗi nhóm dân tộc, bộ tộc. Nhưng ở đây chỉ đề cập đến những tập quán chủ yếu có
tính phổ biến của hệ Lào-Thay nhóm dân tộc của chủ thể, tức là người Lào lùm.
Những ngày hội truyền thống ở Lào:
1. Bun-xẳng-khạ-chạu-khạu-cằm (hội cúng các vị thần linh, các loại ma tà) tổ chức vào ngày mồng 7 tháng giêng.
2. Bun-khun-khảu (hội vía lúa) tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 2.
3. Bun-ma-kha-bu-xa (hội mừng ngày đắc đạo của Phật) tổ chức vào ngày 15 tháng 3.
4. Bun-phạ-vết (hội Phật Vết-xẳn-đon) tổ chức vào ngày 30 tháng 4.
5. Bun-pi-mày (hội năm mới) tổ chức vào ngày 13-15 tháng 4.
6. Bun-vi-xả-kha-bu-xa (hội Phật đản) tổ chức vào ngày 15 tháng 6.
7. Bun-xăm-hạ (hội tống ôn để cầu an, tẩy uế) tổ chức vào tháng 7.
8. Bun-khảu-phăn-xả (hội vào chay) tổ chức vào 15 tháng 8.
9. Bun-khảu-pạ-đắp-đin (hội chúng sinh) tổ chức vào 15 tháng 9.
10. Bun-hò-khảu-xạc (hội cúng các oan hồn) tổ chức vào 15 tháng 10.
11. Bun-oọc-phăn-xả (hội mãn chay) tổ chức vào 15 tháng 10.
12. Bun-kạ-thỉn (hội dâng lễ vật cho sư) tổ chức vào 15 tháng 12.
13. Bun-thạt-luổng (hội tháp luông) tổ chức vào trung tuần tháng 12 tại thủ đô Viêng-chăn là lễ hội lớn nhất có ý nghĩa đề cao và củng cố Phật giáo ở Lào.