Hiện nay, quốc giáo ở Lào là Phật giáo tiểu thừa, bên cạnh đó cũng có những tôn giáo, tín ngưỡng khác nữa.
|
Kiến trúc Bà-la-môn tại chùa Sỉ Mương |
1. Tín ngưỡng thờ thần linh
Thờ thần linh là tín ngưỡng cổ ở Lào.
Mặc dù tôn sùng đạo Phật nhưng người Lào vẫn thờ các vị thần liên quan đến cuộc
sống, đến sản xuất như trời, đất, nước, mưa, nắng, sấm, sét. Các vị thần linh lớn
làm chủ trên trời, mặt đất và dưới nước là Ngọc Hoàng (ພະແຖນ/Phạ-thẻn ), Thổ
Địa (ທໍລະນີ/Tho-lạ-ni )
và rồng, hà bá (ພະຍານາກ/ Phạ-nha-nạc).
Đối với người Lào, thần còn là nhân vật lịch sử có thật đã có
công lớn trong việc bảo vệ sản xuất, diệt trừ ác quái, thú dữ, dũng cảm đưa
nhân dân, bản mường vượt qua những thử thách, khắc nghiệt, che chở và tiếp sức
cho con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn.
Tục thờ thần ở Lào tồn tại khá lâu nhưng vẫn không có hệ thống
giáo lí, sự thống nhất giữa các địa phương hoặc có sự chuyển từ đa thần sang
độc thần. Xu hướng phát triển chung của tín ngưỡng này là đơn giản hoá và thiết
thực tôn thờ các đối tượng có quan hệ mật thiết đến thành quả lao động và đời
sống con người.
2. Tín ngưỡng thờ phỉ (ma)
Người Lào quan niệm mọi vật đều có linh
hồn, khi chết thì linh hồn vẫn tồn tại. Những linh hồn này nhập vào một vật thể
nào đó có uy lực thì trở thành vật linh thiêng (khết). Phỉ có thể phù hộ nhưng
cũng có thể gây tai hoạ cho con người nên đã hình thành hai khái niệm là phỉ đi
(ma lành) và phỉ hại
(ma dữ). Phỉ đi là ma bản, ma nhà (ông bà, cha mẹ,
người phúc đức, có công với bản) thường trú ngụ quanh bản làng, nhà cửa để che
chở, bảo vệ con cháu, dân bản. Phỉ
hại thường là linh
hồn của những người chết bất đắc kì tử, chết oan, chết yểu, không người thờ
cúng. Loại ma này thường lẫn khuất ở những cây cao lớn, sum suê, tại các vực
nước xoáy, mỏm đá cao... luôn quấy rầy cuộc sống bình yên của con người.
3. Các tín ngưỡng tôn giáo
3.1. Tín ngưỡng đạo Bà-la-môn
Đạo Bà-la-môn là một tín ngưỡng sớm thâm nhập vào Lào nhưng
không rõ vào thời điểm nào. Qua một số nghi lễ, di tích cũ còn lại đến nay thì
chùa Văt-phu xã Noỏng - viêng, huyện Chăm-pa-sắc, tỉnh Chăm-pa-sắc và chùa
Xỉ-mương ở thủ đô Viêng- chăn đã chứng tỏ đạo Bà-la-môn có thời kì phát triển ở
Lào. Tuy nhiên, hiện nay, tín ngưỡng này bị mờ dần và nhường chỗ cho đạo Phật.
3.2. Tín ngưỡng đạo Phật
Tuy được truyền bá vào lào sau đạo Bà-la-môn nhưng đạo Phật sớm
bắt rễ và phát triển mạnh mẽ. Hiến pháp vương quốc Lào trước đây qui định đạo
Phật là quốc giáo, nhà vua là người đỡ đầu cao nhất cho đạo Phật. Đến các công
sở của vương quốc Lào trước đây thường thấy câu khẩu hiệu “Tổ quốc, nhà vua và
đạo Phật”.
|
Nhà sư đi khất thực |
Đạo phật tiểu thừa (Hị-nạ-nhan) ra đời trước khi quốc gia Lào lạn- xạng thống
nhất ra đời. Sau đó, nó tiếp tục phát triển tại các mường Lào cổ đại qua các
triều đại từ vua Phạ-ngùm đến Xay-nhạ Chắc-cạ-phắt Phèn-phèo, rồi đến các triều
Vi-sun-na-lạt, Phô-thi-xả-lạt, Xay-nha Xệt-thả-thi-lát, Xu-li-nha Vông-xả, A-nụ
và qua các thời kì đấu tranh chống giặc Hồ, chống phong kiến Xiêm, chống Pháp,
chống Mĩ cho đến nay.
Đạo Phật tiểu thừa ở Lào có một hệ thống giáo lí chặt chẽ, được
pháp luật thừa nhận. Đó là con đường tiếp thụ đạo Phật của tầng lớp quý tộc,
phong kiến và các vị hoà thượng tốt nghiệp các viện Phật học. Còn quảng đại
quần chúng nhân dân thì mỗi người, mỗi địa phương lại tiếp nhận đạo Phật theo
tình cảm và sự hiểu biết của mình. Tuy vậy, những tín ngưỡng ở Lào đều mang dấu
ấn của đạo Phật.
Hầu hết các bản mường của người Lào lùm đều có chùa. Đây là địa
điểm thực hiện tín ngưỡng và để tụ họp, làm từ thiện. Hiện nước Lào có gần 3000
ngôi chùa.
Ở mỗi chùa đều có trống, mõ và chiêng
đồng. Trống ở chùa là loại trống cái, hai đầu bịt da, treo ở a-lam hay hỏ-koong
(ngôi nhà nhỏ). Mõ ở chùa gọi là pôông.
Mõ hình tròn, thon thả, dài trên 1mét, làm bằng thân gỗ, bởi những người thợ
lành nghề đục đẽo. Mõ ở chùa thường đánh mỗi ngày hai lần vào lúc tờ mờ sáng (pôông
xạu) và lúc nhá nhem tối (pôông khằm). Tiếng trống, mõ, chiêng vang lên từ
ngôi chùa là rất thiêng liêng và quen thuộc.
Cuộc đời mỗi người Lào có mối liên hệ
gắn bó với ngôi chùa bản và các vị sư sãi. Lúc nằm trong bụng mẹ, họ được tăng
lữ cầu mong cho mọi sự tốt lành. Lúc cất tiếng chào đời, đứa bé được sư sãi bấm
số, đặt tên, cho bùa hộ mệnh đeo ở cổ để tránh tai nạn, ốm đau. Lúc biết chạy
nhảy tung tăng thì sân chùa là nơi tụ họp. Khoảng 10 tuổi, đứa trẻ theo lời cha
mẹ, cạo đầu đi tu để gần gũi sư thầy, sư bác mà học chữ, học đạo lí. Đến 18, 20
tuổi, họ lại lần nữa cạo đầu đi tu từ vài tuần đến vài năm. Thoát tục, họ được
nhà chùa phong chức sắc là thít (sư ông) hay chan (sư bác) hoặc mạ-hả (nếu được cử đi học tại Viện Phật
giáo).
Chùa, tháp ở Lào thường được xây dựng trên những khu đất lớn,
cao ráo, tại vị trí trung tâm của bản mường. Trên sân chùa có nhiều cây xanh
toả bóng mát và không thể thiếu được cây bồ đề (nằm ở vị trí trung tâm) và các
loại cây có hương thơm như chăm - pi (hoa lan), chăm-pa (hoa đại, hoa sứ).
Mỗi ngôi chùa có qui mô lớn nhỏ khác
nhau nhưng thường được chia thành 3 khu vực là a-ham (lễ đường), hỏ-thạ-mạt (bục cao để tăng ni đọc kinh) và xỉm (Phật đường).
Những ngọn tháp cổ nhất ở Lào là tháp Xỉ-khột-tạ-boong, tháp
Phùn, tháp In-hăng. Ngọn tháp được xây lớn nhất, cao nhất, nổi tiếng nhất ở Lào
là Thạt-luổng tại Viêng-chăn. Chùa lớn ở Viêng-chăn là chùa Xỉ-xạ-kệt được khởi
công từ 1818 và hoàn thành vào 1824. Đây là chùa có kiến trúc đẹp và rất linh
thiêng.
Có thể nói, mỗi ngôi chùa, ngọn tháp ở Lào là một công trình
nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn của một thời đại. Nó là biểu tượng của ý
chí, sức mạnh của nhân dân các dân tộc Lào trong quá trình lịch sử. Song song
tồn tại cùng các loại hình văn hoá vật thể đó, loại hình văn hoá phi vật thể -
tín ngưỡng cũng được thể hiện rõ nét. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ Đạo Phật (phái
Tiểu thừa) đã làm nên màu sắc văn hoá đặc trưng, rõ nét và là điểm chung của
các dân tộc ở Lào.