Về
nhà ở
Bản làng người Lào lùm thường ở bên các con
sông, suối, thuyền bè xuôi ngược dễ dàng. Trong bản hầu hết là nhà sàn gỗ, nối
tiếp nhau theo dòng sông, suối và quay về một hướng. Trước đây dưới gầm nhà
thường đặt khung cửi, để nông cụ, chuồng gà, chuồng trâu. Sau cách mạng năm
1945, hưởng ứng phong trào vệ sinh phòng bệnh, chuồng trâu, bò đã được chuyển
khỏi gầm nhà. Có ý kiến cho rằng người Lào ở nhà sàn để đề phòng thú dữ. Thực
ra phải nói người Lào thường ở nhà sàn, nhất là ở nông thôn là để tránh mọi bất
trắc có thể uy hiếp tính mạng, tài sản của con người như hổ, báo, rắn rết, mối
mọt, trộm cướp và cả lũ lụt nữa. Hệ thống sông suối ở Lào quả có ưu đãi, khoan
dung đối với con người, song không phải là không gây ra tai họa.
Giống như nhân dân nhiều nước ở khu vực Đông
Nam Á, việc dựng nhà, chuyển đến nhà mới xưa nay ở Lào được coi là việc hệ
trọng và có một số tập quán được mọi nhà tự nguyện tuân thủ một cách nghiêm
chỉnh. Theo quan niệm của người Lào, ngôi nhà là nơi nương tựa suốt cả một đời
người. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc lúc vui buồn của mỗi gia đình đều diễn ra
dưới mái nhà sàn gỗ đơn sơ của mình.
Để dựng một ngôi nhà sàn gỗ, dù lớn hay nhỏ,
người Lào thường tiến hành theo trình tự: tìm cột, chuẩn bị tre, gỗ, chôn cột,
dựng nhà, làm lễ chuyển nhà mới, trải chiếu…Thực hiện các bước trên, xưa nay
người Lào thường dựa vào sức mạnh của tập thể bản mường. Đối với các thành viên
trong bản mường coi sự giúp đỡ lẫn nhau là nghĩa vụ, là tình nghĩa đối với xóm
giềng. Theo truyền thống, mỗi hộ trong bản vào dịp này, thường phát huy tinh
thần đoàn kết tương trợ để xóm giềng có được ngôi nhà khang trang, mát mẻ thuận
tiện cho sinh hoạt. Yếu tố quyết định độ bền vững của ngôi nhà sàn gỗ ở Lào
trước đây là cây cột. Cột được chôn xuống đất, thường xuyên tiếp xúc với độ ẩm
dễ bị mối mọt…nên phải lựa loại gỗ tốt. Gia chủ chuẩn bị cơm nước cùng xóm
giềng vào rừng tìm cột. Những cây gỗ tốt, thẳng, ít mắt thường được chọn. Không
may chọn phải gỗ xấu làm cột nhà, người Lào xưa kia cho rằng sẽ ảnh hưởng không
tốt đến chủ nhân sau này như bệnh tật, đau ốm…Khi đã chọn được cây gỗ như ý,
trước khi chặt, gia chủ thường đi quanh ba vòng từ trái sang phải, rồi vịn vào
thân cây đọc những lời cầu khẩn mọi sự tốt lành. Khi chặt, gia chủ phải lựa
hướng sao cho cây gỗ đổ ngay xuống đất. Nếu xung quanh cây rậm có thể vướng,
thường phải phát quang trước khi chặt. Chặt hạ xong, cột được chuyển về bản,
dùng lửa đốt để bóc vỏ, đục lỗ. Trước đây chưa có các loại đinh, người Lào
thường dùng con xỏ (lĩn-toọc) bằng gốc tre. Việc tính toán kích thước của ngôi
nhà do một người thợ cả đảm nhận. Họ dùng nắm tay, gang tay, khuỷu tay và sải
tay để đo gọi là “căm, khựp, xoọc, va). Các con số 6, 8, 9 được coi là những số
may mắn.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các vật liệu, các
già bản tính toán chọn một ngày lành, tháng tốt, gia chủ thông báo cho bà con
xóm giềng biết ngày dựng nhà. Theo tập quán ở Lào, hộ nào cũng cử người đến
giúp. Nếu nhà không có nam giới thì phụ nữ đi thay. Vì ngoài công việc dựng
nhà, gia chủ còn chuẩn bị cơm nước mời bà con đến giúp. Phụ nữ đi giúp bà con
dựng nhà thường có tục mang theo mắm, muối ớt, lá chuối, thuốc lá cuốn…và giúp
nấu nướng chuẩn bị bữa ăn. Còn nam giới chỉ cần mang theo con dao dựa hoặc
chiếc rìu là hai dụng cụ chủ yếu để làm nhà trước đây ở Lào. Theo tập quán của
bản mường thì mọi công việc từ đào lỗ chôn cột, dựng nhà, thưng ván, lợp, giải
giát sàn…đều phải làm xong trong ngày. Bởi vậy bà con xóm giềng thường đến sớm,
đông đủ và lao động với tinh thần khẩn trương dưới sự điều khiển của người thợ
cả. Người Lào lùm thường dựng nhà quay về hướng Bắc, lưng tựa vào hướng Nam
hoặc chếch đôi chút. Nếu quay về hướng khác hoặc nhà cắt ngang hướng Đông-Tây
là điều kiêng kỵ. Bước đầu tiên của việc dựng nhà là chôn cột. Theo tập quán
người Lào thường làm nhà ba gian nên có tám cột. Khi đào, phải đào hố chôn cột
ở phía Nam trước gọi là “xảu hẹc”. Tiếp theo phải đào hố chôn cột phía Đông gọi
là “xảu khoẳn”. Sau đó có thể đào chôn cột nào tiếp cũng được. Khi dựng cột nhà
cũng phải dựng hai cột ở phía Nam và phía Đông trước. Trước khi dựng cột thường
lót lá chuối tươi hay đổ cát, sỏi xuống trước. Trên đỉnh mỗi cột buộc các cành
lá tươi bằng chỉ trắng hoặc tơ tằm. Với nghi thức và trình tự trên, người Lào
tin rằng hạnh phúc sẽ đến với gia chủ, cuộc sống lao động sản xuất sẽ gặp nhiều
may mắn.
Dựng xong ngôi nhà, trước khi lên nhà mới, ở
Lào cũng có tục làm lễ chuyển đến nhà mới (khựn hươn mày). Tham gia làm lễ lên
nhà mới cũng gồm các thành viên trong bản mường, trong đó các già bản có vai
trò quan trọng. Trước kia lễ chuyển đến nhà mới thường được chuẩn bị công phu,
mất thời gian và tốn kém. Ngày nay chỉ còn hình thức làm lễ cầu may đến nhà mới
gọi là “xù-khoẳn hươn mày” với sự tham gia của bà con xóm giềng.
Dựng chòi để lúa (làu khạu), người Lào cũng
coi trọng như dựng nhà. Nên các bước chuẩn bị, trình tự đào hố, chôn cột cũng
giống như dựng một ngôi nhà ở.
Người Lào cho rằng, nếu làm được như vậy thì
kho lúa an toàn, lấy ra ăn mãi cũng không vơi mà ngày càng đầy lên. Nhà ở,
trong các bản mường Lào phổ biến là sàn gỗ, xung quanh thưng ván, trên lợp ngói
gỗ hay cỏ gianh. Những hộ nghèo, neo đơn cũng có ngôi nhà sàn nhỏ đơn sơ,
thường thưng phên nứa, giát tre nhưng hầu hết là cột gỗ. Để bảo vệ rừng, các
loại gỗ quý hiếm, ngày nay người Lào đã dùng cột bê-tông đúc sẵn, ngôi nhà sàn
vững chắc và lâu bền hơn gỗ.
Ngôi nhà của người Lào thường được chia làm
hai phần chính. Phía ngoài là nơi ăn uống, bếp núc và sinh hoạt của toàn gia
đình. Phía trong là một dãy buồng riêng nơi nghỉ ngơi của cha mẹ, con cái. Nếu
nhà của trưởng họ hay thầy cúng còn có một buồng riêng để thờ cúng. Con cháu,
phụ nữ, khách lạ tuyệt đối không được vào căn buồng này. Khách lạ đến nhà có
thể đi lại phía ngoài từ cầu thang đến tận sàn rửa bát. Khi nằm nghỉ ngơi phải
nằm theo chiều giát nhà. Chú ý không ngồi lên các ghế mây tròn nhỏ quanh bếp
hoặc vào các buồng ngủ nếu không được sự đồng ý của gia chủ. Ngôi nhà sàn của
người Lào thường có một mái ngắn một mái dài, nên trong nhà không được sáng
sủa. Có thể đó là một kiểu kiến trúc tránh gió Tây-Nam về mùa mưa và gió
Đông-Bắc về mùa khô.
Tìm hiểu sinh hoạt của người Lào ở nôn thôn
thì thấy ngôi nhà trong bản chỉ là nơi sinh hoạt gia đình vào buổi tối sau một
ngày lao động. Phần lớn thời gian, đặc biệt trong những ngày mùa bận rộn, mọi
sinh hoạt gia đình được tập trung tại ngôi nhà nhỏ được dựng trên khoảng đất
bằng phẳng ngay tại ruộng rẫy. Hộ không dựng nhà cũng cất một cái chòi gọi là
“thiểng-na”. Trên chòi có đầy đủ gạo, nước, mắm muối, nồi xoong, chăn màn để có
thể ngủ lại. Xung quanh ngôi nhà ngoài ruộng còn có vườn nhỏ trồng rau, ngô,
chuối, ớt, sả…có nhà còn mang cả gà vịt ra nuôi. Nhiều hộ ruộng xa, để tiện lợi
cho sản xuất, suốt thời gian ngày mùa đã ngủ lại ngoài ruộng trừ những tối phải
lên chùa hoặc họp bản làng. Ngôi nhà trong bản chỉ có các cụ già không còn sức
lao động trông nom và làm nghĩa vụ đối với nhà chùa.
Sau ngày hòa bình độc lập
thống nhất từ các điểm sơ tán trở về bản mường, nhân dân Lào có xu hướng dựng
nhà mới lớn hơn trước, mái cao, trổ nhiều cửa sổ nên sáng sủa thông thoáng,
dưới gầm nhà chỉ để khung cửi, cối giã gạo và nông cụ. Dưới chân cầu thang mỗi
nhà người Lào thường trồng vài gốc hoa vạn thọ. Đầu cầu thang có một vò nước có
nắp đậy kín và một cái gáo để múc nước. Trong nhà có việc không lành xảy ra như
ốm đau, lâm bệnh trầm trọng, không muốn cho khách lạ lên, gia chủ cắm một cái
“ta-lẻo” (tấm phên nhỏ, rộng hơn bàn tay đan bằng tre nứa, hình mắt cáo) ở chân
cầu thang. Để tránh phiền phức cho gia đình, khách lạ trước khi lên nhà nên
quan sát chân cầu thang có dấu hiệu gì phải kiêng kỵ. Quanh ngôi nhà của người
Lào không hề có nhà vệ sinh. Ở miền Bắc có một số bản làng người dân thường
phóng uế xuống dòng sông suối. Còn hầu hết các địa phương, người Lào coi việc
phóng uế xuống sông suối là một tội lỗi, một điều tối kỵ. Khi đi đại tiện người
Lào ở nông thôn có tục dùng thuổng để đào và lấp rất kỹ với quan niệm nếu để ma
ăn phải phân, người ấy sẽ chết vì bệnh đường ruột. Do vậy mà dưới gầm nhà nào
cũng dựng dăm ba cái thuổng. Tục này đã trở thành thói quen, ngay cả trẻ em
cũng thực hiện một cách nghiêm túc mỗi khi vác thuổng vào rừng cạnh bản để đi
cầu. Người Lào rất sợ phóng uế bừa bãi, không những gây hôi thối khó chịu mà
còn làm cho ma quỷ đến quấy rầy đời sống của con người.