Cây lương thực chủ yếu ở Lào là lúa nếp và
lúa tẻ. Trên nương rẫy hoặc trong vườn còn trồng ngô, khoai sắn…nhưng đó chỉ là
loại lương thực phụ. Trước đây diện tích lúa tẻ chiếm tỷ lệ không đáng kể và
gạo tẻ chỉ để dùng làm bún, bánh trong những ngày lễ hội. Sau cách mạng năm
1945 diện tích gieo trồng lúa tẻ có tăng lên nhưng hầu như người Lào ưa thích
ăn gạo nếp.
Ở nông thôn, xôi thường được ăn vào bữa trưa để những người đi lao
động ngoài ruộng, trên nương rẫy mang theo tiện lợi. Bữa ăn không cần canh
riêu, xào nấu, chỉ khúc cá nướng, gỏi “chèo” (ớt nướng bóc vỏ giã với cá nướng
hoặc với mắm cà), quả chuối hoặc ít quả me chín ngọt là xong bữa. Cá, ốc, ếch,
lươn, tôm, tép…là thức ăn được người Lào ưa thích và trở thành phổ biến trong
các bữa ăn của hầu hết các gia đình. Hệ thống sông suối, ao hồ dày đặc ở Lào là
nguồn tôm cá vô tận để nhân dân Lào đánh bắt. Thịt thú rừng cũng là nguồn thực
phẩm quan trọng như hươu, nai, thỏ, kỳ đà, chim, sóc,…trong đó đặc biệt là rắn,
trút, dũi đất (ỗn, tùn) được người Lào ưa thích. Thịt trâu, thịt bò được xếp
hàng đầu trong các loại gia súc gia cầm, thịt lợn xếp sau cùng. Ở vườn, đất rất
rộng nhưng người Lào không trồng nhiều rau xanh như nhân dân một số quốc gia
lân cận. Ngoài số rau ít ỏi trong vườn, trên nương rẫy, người Lào còn dựa vào
nguồn ra quả hái lượm ở trong rừng. Cùng với măng rừng, nấm, mướp, bầu, bí
người Lào còn rất thích ăn các loại rau quả có vị đắng, chua, chát. Các loại
gia vị được trồng phổ biến ở vườn, nương rẫy như các loại rau thơm, hành, tỏi,
sả…đặc biệt là ớt. Ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người
Lào. Trên nương rẫy, gò đất ở đồng ruộng đều được trồng ớt. Ớt chín, phơi khô
đem gác bếp để ăn quanh năm. Những năm mất mùa ớt, tuy không như thiếu lúa gạo
nhưng cũng khá vất vả, mọi nhà phải xuôi ngược xa gần để mua bằng được ớt. Có
nhà phải ăn giềng hoặc gừng thay ớt.
Do ăn xôi là chủ yếu nên người Lào hay ăn
các món ăn khô, đậm đà như xào, nấu. Ngoài muối, người Lào thường dùng “pa-đẹc”
(mắm cá) để nêm thức ăn như nước mắm. Đến vụ đánh bắt cá, hộ nào cũng làm năm
ba chum mắm để ăn quanh năm. Các bản mường ven sông suối, đánh bắt được nhiều
cá thường làm nhiều mắm để bán hoặc đổi chác với các bản mường ở miền núi. Mắm
cá không những để nêm thức ăn mà còn trở thành món ăn phổ biến trong những ngày
mùa bận rộn công việc đồng áng hoặc những tháng mưa dầm không đi săn bắt hái
lượm được. Trong những ngày này, bữa ăn ngoài ruộng rẫy chỉ cần khúc cá mắm có
ớt, sả thái nhỏ gói lá chuối đem lùi tro gọi là “môôc-pa-đẹc” là xong bữa. Hầu
như người Lào thích ăn các món nướng, lùi, hông. Từ rau xanh đến các loại quả,
củ có chất bột người Lào đều hong chứ không luộc. Cách nướng hay lùi của người
Lào cũng độc đáo, công phu. Miếng thịt, con cá thường được nướng chín vàng thơm
ngon bằng than củi suốt một hai tiếng đồng hồ. Những ngày lễ hội hay bữa cơm khách ở nông
thôn lẫn thành thị thường có món gỏi cá hoặc thịt trâu thịt bò gọi là “lạp”.
Vào mùa mưa, sẵn các loại măng tươi, bữa ăn hay có món canh măng gọi là canh
da-nang, thơm ngon đậm đà (lá da-nang hái ở rừng đem vò kỹ lọc lấy nước nấu với
măng). Trong bữa cơm khách dù thịnh soạn đến đâu, gia chủ thường làm bát “chèo”
thường hay “chèo” mắm cá. Theo tập quán của Lào, trong bữa cơm khách thông
thường “chủ nhà dẫn rượu, chủ mâm dẫn ăn” nghĩa là “tiên chủ hậu khách”. Và cơm
nóng, canh sốt cũng là yêu cầu đối với bữa ăn, người Lào thường nói “ăn lúc
đang nóng múa lúc đang say”. Trong bữa cơm khách, hay buổi liên hoan tập thể,
thức ăn đã bưng ra dù ít nhiều ngon hay không ngon, mỗi người đều ăn mỗi món
một chút để khỏi phụ lòng gia chủ. Trái lại khi nồi cơm, ép xôi quá ít đến mức
thiếu, nhưng người ăn bao giờ cũng để ý chừa lại một ít để tượng trưng cho sự
no đủ, thừa thãi cơm gạo.
Những ngày lễ hội, liên hoan tập thể bản
mường hoặc gia đình tổ chức cưới xin, giỗ chạp người Lào thường uống rượu. Có
hai loại rượu phổ biến là rượu cần và rượu đế nấu bằng gạo nếp. Trong ngày mùa
lao động khẩn trương phải dầm mưa để cày bừa, người Lào cũng hay nấu rượu để
uống. Các cụ già cũng thường uống rượu thuốc, ngâm với các loại rễ cây thuốc
nam, mật thú rừng, rắn, bìm bịp…
Trước kia người Lào hay uống nước mưa hoặc
nước giếng, nói chung là loại nước nguội. Sau cách mạng, nhân dân Lào đã uống
nước đun sôi để nguội. Tại các bản mường ở miền Bắc và Trung Lào các cụ già
thường uống nước chè tươi rất đặc hoặc uống các loại lá rễ có vị chát như chè
tươi.
Trước kia phần lớn nam giới ở Lào hút thuốc
lá-loại thuốc rê hộ nào cũng có thể tự túc được. Ở nông thôn hộ nào cũng có
vườn thuốc lá. Sau khi thái và sấy khô, thuốc lá được xếp vào sọt đem gác trên
chạn bếp để hút quanh năm. Nhìn chung người Lào ưa hút các loại thuốc lá nặng.
Phụ nữ Lào cũng ăn trầu thuốc, nhất là khi lớn tuổi. Những ngày lễ hội, vào dịp
dạm vợ, gả chồng, làm lễ cầu yên trên mâm lễ không bao giờ thiếu miếng trầu,
quả cau, điếu thuốc cuốn. Những năm kháng chiến chống Pháp xâm lược trước đây,
khi hành quân qua các bản mường, các chiến sĩ giải phóng nhân dân Lào và quân
tình nguyện Việt Nam thường nhận được thuốc lá cuộn do các cô gái hoặc Hội mẹ
chiến sĩ tặng.