Về
trang phục, trang sức của người Lào
Từ lâu trong mỗi bản mường, nhân dân có khả
năng tự túc được các loại chăn, vải. Khi chưa có thuốc nhuộm, người Lào dùng
các loại quả rừng, củ rừng. Các cô gái thích mặc vải hoa, vải kẻ có màu đậm,
tươi tắn như màu cỏ cây hoa lá tự nhiên trong rừng núi bao la trùng điệp của
quê hương mình. Kiểu áo quần, màu sắc cũng được chú ý sao cho tiện lợi, phù hợp
với từng mùa, từng hoàn cảnh cụ thể khi đi lao động sản xuất, dự lễ hội, cưới
xin, ma chay…
|
Trang phục các cô gái Lào trong các ngày lễ quan trọng
|
Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo
cổ tròn tay ngắn, quần đùi, bên ngoài quấn chiếc khăn gọi là “phạ-xà-rông” màu,
kẻ ô vuông. Khi đi lao động ngoài ruộng rẫy, nam giới mặc quần đùi hoặc quần
dài nhuộm chàm. Những ngày lễ hội trang trọng, nam giới mặc y phục dân tộc. Đó
là chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, cài về phía tay trái. Bên ngoài chiếc quần
đùi giản dị, các chàng trai Lào quấn chiếc khăn dài rộng gọi là “phạ nhạo nếp
tiêu” màu sắc sặc sỡ (rộng hơn phạ-xạ-rông, khi mặc cuốn qua háng rồi nhét vào
cạp sau). Gia đình khá giả mặc loại toàn tơ tằm. Một số thanh niên còn quàng
loại khăn màu chéo qua ngực gọi là “phạ-biềng”. Đi dự những ngày lễ hội trong
bản mường người thanh niên có thể mặc bộ y phục dân tộc cũ nhưng nếu mặc áo
quần ngắn thì bị dân bản đánh giá thiếu sự tôn trọng cộng đồng, phong tục
truyền thống của dân tộc. Trong lễ hội cũng như lúc bình thường, nam giới ở Lào
hay đeo nhẫn, một số địa phương ở Nam Lào còn đeo dây chuyền. Trong cuộc sống
lao động hàng ngày, người Lào còn thường dùng một loại khăn gọi là “phạ-phe”
(giống khăn rằn ở miền Nam). Ở Lào khăn rằn được sử dụng một cách phổ biến
trong cả nước, ở mọi lứa tuổi. Chiếc khăn vải kẻ ô vuông màu trang nhã thường
được dùng làm khăn tắm, trùm đầu che nắng che sương, quàng cổ khi trời giá rét.
Đi lao động ngoài ruộng rẫy, đi đường xa “phạ-phe” dùng để gói bộ quần áo thắt
ngang lưng rất gọn gàng. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp các
chiến sĩ Pa-thêt Lào dùng “phạ-phe” thay ba-lô trong các cuộc hành quân bôn
tập. Phạ-phe còn dùng làm dây trói tù binh trong những trận thắng lớn. Cùng với
chiếc “phạ-phe” một con dao nhọn dắt trong bao gỗ xinh xắn cũng là một vật
không thể thiếu đối với nam giới ở Lào, đặc biệt là ở nông thôn. Một cuộc hành
trình dài ngày, đi sản xuất ngoài ruộng rẫy, đi săn bắt, người thanh niên Lào
dù ở lứa tuổi nào cũng luôn mang bên mình con dao đánh bằng loại thép quý và
thường xuyên được mài rất sắc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp cũng như
chống Mỹ xâm lược, các chiến sĩ Quân giải phóng nhân dân Lào, quân tình nguyện
Việt Nam cũng không thể thiếu con dao nhọn. Con dao trở thành vật có tác dụng
vạn năng đối với người nông dân Lào cũng như các chiến sĩ hoạt động ở vùng rừng
núi.
Lúc còn nhỏ, phụ nữ Lào để tóc hoặc hớt tóc.
Trên mười tuổi thường búi tóc, một số địa phương như ở Luổng-pha-bang có tục
búi tóc lệch hoặc thẳng để phân biệt giữa các cô gái có chồng và chưa có chồng.
Ngoài năm mươi tuổi, phụ nữ Lào thường hay cắt tóc ngắn với quan niệm đã về già
cần ăn mặc giản dị, gọn gàng, làm gương cho con cháu. Xưa kia cũng như ngày nay
phụ nữ Lào thường mặc váy. Theo tập quán cổ truyền, phụ nữ Lào mặc váy có cạp,
có gấu, không quá ngắn hoặc quá dài. Ai không mặc như trên hoặc dùng vải quá
mỏng, quần chẽn bó lấy thân bị coi là không đứng đắn, trái với cách ăn mặc
truyền thống của phụ nữa Lào. Các em bé gái dưới mười tuổi có thể châm chước
trong cách ăn mặc nhưng vẫn kỵ mặc đảo ngược gấu váy lên trên. Đi lao động
ngoài ruộng rẫy như gặt hái, làm cỏ, hái lượm trong rừng, phụ nữ mặc áo tay dài
nhuộm màu chàm hoặc đen. Người lớn tuổi hay quấn trên đầu chiếc khăn rằn
(phạ-phe). Đi dự lễ hội, phụ nữ Lào ăn mặc theo truyền thống dân tộc. Đó là váy
toàn tơ, chân váy có những đường hoa văn mang màu sắc dân tộc, chiếc áo tay
ngắn được may cầu kỳ hơn, có những đường viền hoặc thêu hình hoa lá, chim
muông. Có cô gái mặc áo đính bằng khuy đồng hay khuy bạc, quàng chéo trước ngực
chiếc khăn “phạ-biềng” màu. Bó sát lưng làm nổi thân hình thon thả của các cô
gái là chiếc dây thắt lưng bằng đồng hay bạc gọi là “khểm-khắt”. Đi dự các ngày
lễ hội các cô gái Lào thích đeo đồ trang sức như hoa tai, dây chuyền, nhẫn bằng
vàng hay bạc. Nhưng phổ biến nhất là đôi bông tai và chiếc thắt lưng, đó là
những vậy kỷ niệm của người con gái được cha mẹ sắm cho từ thưở nhỏ.
Dưới chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ
trước đây, trong các đô thị có một số phụ nữ ăn mặc lố lăng, xa lạ với tập quán
của dân tộc Lào như mặc váy cao trên đầu gối, áo vải mỏng…Nhưng phần lớn họ là
ngoại kiều hoặc có một số nhỏ là người Lào làm thuê cho các tiệm nhảy, hộp đêm.
Còn hầu hết phụ nữ Lào nhất là ở nông thôn vẫn giữ được cách ăn mặc giản dị,
trang nhã theo truyền thống dân tộc. Hơn hai mươi năm qua cách ăn mặc ở Lào
cũng có một số thay đổi theo xu hướng hội nhập với thời đại nhưng vẫn được nét
đặc trưng của dân tộc. Chẳng hạn ở thành thị, thanh niên ưa mặc âu phục, một số
cô gái mặc quần, uốn tóc. Phụ nữ vẫn mặc váy, riêng chiếc áo sơ mi có nhiều
kiểu mới mẻ hơn trước.