Phân
công lao động
Việc phân công lao động trong gia đình người
Lào ở mỗi nhóm dân tộc, mỗi miền có khác nhau đôi chút, song về căn bản đều
theo giới và lứa tuổi. Sự phân công lao động phản ánh khá rõ nền kinh tế nông
nghiệp, tự cấp tự túc, trong đó mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế hầu như khép
kín. Từng gia đình phải sản xuất tự túc tất cả mọi nhu cầu của đời sống từ lúa,
bông, vải, mắm…, đến rau quả, thuốc hút. Phần còn lại nhờ vào sự trao đổi với
xóm giềng hoặc các bản mường lân cận.
Trong gia đình, người chồng thường làm những
công việc nặng nhọc như cày bừa, phát nương, đắp mương phai, săn bắt, sữa chữa
nhà cửa. Các em trai trên mười tuổi làm công việc nhẹ hơn như chăn trâu, bò,
trông coi ruộng rẫy, đan lát, theo cha để tập sự các công việc của nam giới. Do
gắn bó với núi rừng sông suối, lại được rèn luyện từ nhỏ nên thanh niên Lào rất
thành thạo việc săn bắt trên sông suối và núi rừng. Có nhiều hình thức đánh bắt
trên sông suối, đầm hồ tùy theo mùa nước, loại cá. Chẳng hạn như câu cá có cầu
phao, câu chìm, câm cắm, câu quăng. Vào rừng vào mùa khô gặp một vũng nước có
nhiều cá, người thanh niên Lào chỉ dùng một loại vỏ cây trong rừng gọi là
“khưa-hay” đập dập thả xuống một lúc là cá phải nổi lên. Từ xa xưa, người Lào
đã nổi tiếng về săn bắn thú rừng bằng vũ khí thô sơ và biệt tài đi rừng. Người
Lào có thể ngắm hướng băng rừng đi đến một điểm đã định trước mà không cần địa
bàn. Với tài nghệ vượt núi băng rừng, nghĩa quân Lào yêu nước trước kia, các
chiến sĩ quân giải phóng nhân dân Lào trong những năm kháng chiến chống xâm lược
vừa qua đã nhiều phen giáng cho quân thù những đòn bất ngờ choáng váng.
Để săn bắt thú rừng, trước đây người Lào
dùng các hình thức gài chông, bẫy, bắn nỏ bằng tên tẩm thuốc độc…khi chế tạo
được súng kíp, thuốc súng thì việc săn bắn chủ yếu bằng súng. Súng săn hiện đại
chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây, chủ yếu ở vùng đồng bằng ven đô thị. Còn ở
hầu hết các bản mường vùng nông thôn vẫn sử dụng hình thức săn bắn theo truyền
thống của mình. Bằng các loại vũ khí thô sơ tự tạo nhưng với tinh thần dũng cảm,
mưu trí, các chàng trai Lào vẫn diệt được các loại thú dữ như hổ, gấu, voi…Các
địa phương ở Nam Lào có truyền thống dụ voi về thuần dưỡng. Đây là một nghề hết
sức công phu, nguy hiểm đòi hỏi lòng dũng cảm, thông minh. Người Lào có nghệ
thuật bẫy chim, gà, công…rất độc đáo, có hiệu quả và phổ biến khắp các bản
mường từ Bắc xuống Nam. Có thể nói các chàng trai Lào có biệt tài săn bắt, chỉ
cần đem theo con dao, cái nỏ, dăm ba cái bẫy, ít lưỡi câu là có thể có cá,
chim, sóc, gà rừng, đem về sau một ngày lao động ngoài ruộng rẫy. Khi súng kíp
ra đời thì bản làng nào cũng có hàng chục cây súng và dăm ba người săn bắn nổi
tiếng. Giống một số dân tộc khác ở khu vực, việc săn bắt ở Lào cũng có một số
kiêng kỵ. Chẳng hạn, người đi săn không cho biết trước hướng đi và kết quả mình
mong muốn. Súng đạn được giữ gìn cẩn thận, để ở những nơi cao ráo, tránh những
vật ô uế. Thành tích săn bắn của mỗi người được lưu lại bằng những chuỗi nanh
vuốt, răng thú dữ treo ở một góc nhà. Đối với cây nỏ thì lớp lớp máu dày khô
quánh ở thân nỏ, tượng trưng cho tài nghệ của chủ nhân.
Từ lâu việc săn bắn ở Lào không đơn thuần để
giải quyết thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày mà còn là cuộc đấu tranh khá quyết
liệt để bảo vệ sản xuất, nhất là ở vùng rừng núi. Xung quanh ruộng rẫy ở Lào
phải có lớp rào vững chắc, bên ngoài bờ rào còn có chông, bẫy gọi là “kạ-tầm,
kạ-thíp”. Khi lúa chín bên trong rẫy còn gài thêm các loại bẫy để đề phòng khỉ,
lợn rừng vượt rào vào phá hoại. Gần ngày thu hoạch, nhà nào cũng có người ngủ
lại ruộng rẫy để canh giữ. Người Lào thường ví “voi vào ruộng như quan nha vào
bản”. Không chỉ đề phòng thú dữ, thú lớn mà các loại muông thú khác tuy nhỏ
nhưng với số lượng lớn cũng là mối đe dọa mùa màng như chim, khỉ, chuộc, châu
chấu…Ở Lào có tục săn bắn tập thể gồm nhiều tay súng và hàng chục người tham
gia. Đó là các cuộc săn bắn hươu, nai, hoẵng…Qua vết chân, một thành viên giàu
kinh nghiệm phát hiện con mồi còn quanh quẩn trong khu rừng nào đó, lập tức cả
bản đổ ra bủa vây, gõ mõ, hò la để đuổi con mồi chạy về hướng có các tay súng
mai phục sẵn. Nhiều nhà còn dùng cả chó săn ra lùng sục để uy hiếp con mồi.
Cuộc săn bắn rầm rộ tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra được tổ chức, phối
hợp rất chặt chẽ, đòi hỏi người sử dụng súng phản ứng nhạy bén và tỉnh táo. Kết
quả thu được trong cuộc săn bắn tập thể được chia theo phần, tùy theo công sức
của mỗi người. Chẳng hạn người phát hiện con mồi được phần thỏa đáng. Con mồi
bị trúng cùng lúc hai phát đạn, nhưng người nào bắn trúng chỗ hiểm thì được
phần nhiều hơn. Nếu phụ nữ có thai cũng tham gia thì được chia hai phần.
Những việc được coi là nhẹ hơn như gặt hái,
trông nom vườn tược, chăn nuôi, hái lượm, nấu nướng, may vá, dệt vải và chăm
sóc con cái đều do người phụ nữ đảm nhiệm. Với sự phân công như trên, người phụ
nữ Lào lao động khá vất vả. Có thể nói người phụ nữ Lào chỉ được nhàn rỗi, tự
do bay nhảy cùng bè bạn trong các ngày lễ hội khi còn con gái, đến khi lấy
chồng có con, thường phải lo toan công việc gia đình bận rộn quanh năm. Các em
bé gái cũng sớm tham gia lao động giúp đỡ mẹ công việc nội trợ. Được mẹ kèm cặp
từ nhỏ nên các cô gái Lào rất khéo tay, đảm đang công việc nội trợ, dạy dỗ con
cái. Đối với các cụ già ở Lào chỉ làm những công việc vặt phù hợp trong nhà,
dạy dỗ con cháu và trông nom chùa tháp. Ở Lào có tục tôn trọng người già cả,
nhất là các cụ là trưởng họ hoặc có công với bản mường, các thành viên trong
bản quan niệm người già là những người có công với con cháu, bản mường, có kinh
nghiệm trong đấu tranh, lao động sản xuất, tích được nhiều phúc đức, con cháu
phải noi theo. Dường như dân tộc nào cũng kính trọng người già nhưng riêng ở
Lào các cụ già có vị trí đặc biệt quan trọng gắn với tập tục truyền thống. Bởi
vậy, trong những ngày lễ hội, cưới xin, ma chay, giải quyết các tranh chấp giữa
các thành viên trong bản, mâu thuẫn trong gia đình, không thể thiếu các già
bản. Sau ngày lễ cưới, cô dâu chú rễ phải đến lễ các già bản gọi là “xẳm-ma”
trước khi về thăm cha mẹ, họ hàng. Cùng với sư thầy, già bản là trung tâm đoàn
kết của bản mường. Vai trò của các già bản cũng được khẳng định trong kho tàng
ca dao tục ngữ: “Không nghe lời người già ba lần sẽ khó, nghe lời người già tốt
hơn nghe lời thầy bói”.