Nhân
dân các dân tộc Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền
thống. Không chỉ trong những ngày lễ hội, vui chơi hợp quần… người Lào còn hay
ca hát trong sản xuất ngoài ruộng nương, đi hái lượm trong rừng, xuôi ngược
trên các dòng sông.
|
Một điệu múa của Lào |
Dân
ca Lào rất phong phú, giàu âm điệu, mang đậm bản sắc dân tộc được phổ biến rộng
rãi trong nhân dân từ nông thôn đến thành thị. Người có công lớn trong việc sưu
tầm, phổ biến và nâng cao các làn điệu dân ca là các “mỏ-lăm” (ca sĩ), “mỏ
khen” (nhạc công, thổi khèn bè). Đội ngũ “mỏ lăm, mỏ khen” ngày càng phát triển
trước yêu cầu thưởng thức ca múa của nhân dân ở các bản mường, trong đó có
nhiều nghệ sĩ tài ba nổi tiếng vừa có thể sáng tác vừa biểu diễn được đông đảo
nhân dân ưu ái, mến mộ. “Mỏ lăm” ở Lào có vị trí thật đặc biệt trong xã hội. Họ
sống gần gũi nhân dân, đi đến bản làng nào cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Họ am
hiểu sâu sắc cuộc sống, xã hội Lào, nắm bắt được tình cảm, ước mơ của các tầng
lớp nhân dân. Có thể nói, họ là một tri thức, một nghệ sĩ của nhân dân, được
nhân dân nuôi dưỡng.
Dân
ca của Lào có nhiều loại như lăm, khắp, xỡng, kạp, ăn nẳng-xử… Mỗi loại lại
mang sắc thái riêng của từng miền, từng dân tộc, từng địa phương. “Lăm” sử dụng
nhiều thể loại thơ nhất được quần chúng ưa thích nhất và phổ biến trong cả
nước.
1.
Lăm (ca)
Theo
các “mỏ lăm” ở Lào thì “lăm” được chia thành hai loại là “lăm-xẵn” (khúc ca) và
“lăm nhao” (trường ca) còn gọi là “lăm lượng” nghĩa là ca sĩ thuật lại một câu
chuyện thơ bằng các làn điệu dân ca.
a.
“Lăm xẵn”: là những bài ca ngắn diễn đạt tâm tư, cảm xúc của con người như niềm
vui, nỗi buồn, cảnh chia ly thương nhớ hoặc châm biếm, hài hước, phổ biến là
tình yêu lứa đôi. Lời của “lăm xẵn” thường là văn vần, giàu hình tượng đã có từ
trước hoặc sáng tác ứng khẩu theo tình huống đặt ra. Trai gái thường vận dụng
ca dao, “phạ-nhả” (câu ví) - phong phú của dân tộc để ca đối đáp lẫn nhau.
“Lăm-xẵn” thường có hai người hoặc hai tốp ca đối đáp lẫn nhau, kết hợp với
múa.
“Lăm-xẵn”
có nhiều làn điệu khác nhau mang tính địa phương, phản ánh điều kiện sản xuất,
thiên nhiên, con người như “lăm loòng”, “lăm vay”, “lăm tạy”, “lăm tỡi”, “lăm tắt”…
-
“Lăm-loòng”: từ Viêng-chăn trở xuống miền Nam Lào, đặc biệt nhân dân sinh sống
ven sông rất thích “lăm loòng”, còn được gọi là “lăm loòng-khoỏng” (ca xuôi
dòng Mê-kông). Xuôi ngược trên các dòng sông vào đêm khuya thanh vắng các chàng
trai, cô gái hay “lăm loòng”. Nhịp điệu của “lăm loòng” thường ngân dài, lúc
bổng lúc trầm tha thiết, uốn lượn, mênh mong như sóng nước. Nội dung “lăm
loòng” chủ yếu miêu tả sông nước, mây trời, làng xóm, bến bờ, cảnh vật ven
sông.
-
“Lăm-vay”: phổ biến ở các địa phương miền Trung. “Lăm-vay” cũng diễn tả thiên
nhiên, ruộng rẫy, bản làng nhưng nhịp điệu sôi nổi như thôi thúc, giục giả, có
lúc như giễu cợt. “Lăm-vay” cũng kết hợp với múa nhưng chỉ múa lúc ngừng ca
hoặc múa giữ nhịp theo tiếng khèn bè.
-
“Lăm-tạy”: (ca phía Nam) còn gọi là “lăm xỉ-phăn-đon” (tên một địa phương của
tỉnh Chăm-pa-sắc) một loại ca ở các tỉnh miền Nam. Nhịp điệu “lăm-tạy” dịu
dàng, uyển chuyển. Lời ca “lăm-tạy” thường giàu hình ảnh, ví von, đối đáp, tỏ
ý, tỏ tình.
-
“Lăm-tắt”: là những khúc ca phản ảnh sự việc, cảnh vật trong xã hội, thiên
nhiên. “Lăm-tắt” thường có một người biểu diễn, có đệm khèn bè, kết hợp với múa
nhưng ít hơn các loại “lăm” khác. Nhịp điệu của “lăm-tắt” êm ái, tầm bổng, chậm
rãi, thỏa mãn thính giác mọi người. Mở đầu “lăm-tắt”, người biểu diễn thường
dạo giọng bằng tiếng “ồ” ngân dài, trầm lắng và người nghe thường hò reo đế
theo.
-
“Lăm-tỡi”: (giống hát ví) “Lăm-tỡi” là loại “lăm” phổ biến trong cả nước, đặc
biệt từ Viêng-chăn xuống các tỉnh miền Nam. Nhịp điệu của “lăm-tỡi” sôi nổi,
dồn dập như những đợt sóng. “Lăm-tỡi” thường được biểu diễn hai người, một
trai, một gái, vừa ca vừa múa theo tiếng khèn bè. Trong “lăm-tỡi” múa được sử
dụng nhiều hơn, hai người biểu diễn múa lượn (phõn-kiễu) nhịp nhàng, tình tứ
quấn quít bên nhau. Có thể nói “lăm-tỡi” là sự kết hợp biểu diễn khéo léo những
động tác để diễn đạt tình cảm như: lời ca, múa, ánh mắt, nụ cười.
Nội
dung các khúc ca “lăm-tỡi” thường xoay quanh tình yêu trai gái, đôi bên tỏ ý tỏ
tình, niềm thương nỗi nhớ hoặc trai gái gặp gỡ thử tài trí nhau, thách đố lẫn
nhau, giễu cợt nhau. Họ phải vận dụng kho tàng ca dao, “phạ-nhả”, nhiều lúc
phải tự đặt ra để đối đáp.
Trong
“lăm-tỡi” lại có một số làn điệu “tỡi” khác mang sắc thái địa phương như tỡi
hủa-nuôn-tan, “tỡi pha-mã”, “tỡi khon xạ-vẳn”, tởi xỉ-phôn…
Tỡi
pha-mã được ca ở một số bản mường miền Bắc nhưng không phổ biến. Tỡi khon xạ-vẳn
và tỡi xỉ-phôn được ca ở một số địa phương miền Trung, thường có lời ca dài hơn
các làn điệu “lăm tỡi” khác. Về nhịp điệu, ba loại “lăm tỡi” trên không sôi
động bằng “tỡi hủa nuôn tan”.
“Tỡi
hủa nuôn tan”, còn được gọi là “tỡi Ma-hả-xay” (tên một địa phương trong tỉnh
Khăm-muôn, trung Lào là loại “tỡi” phổ biến nhất, được đông đảo nhân dân ưa
thích nhất. “Lăm-tỡi” được ca rộng rãi trong mọi dịp như: lễ hội, đêm liên
hoan, cuộc họp bản làng, trai gái gặp nhau trong những đêm trăng sáng, đi hái
lượm trong rừng, ngồi trong các chòi canh lúa, ngô trên ruộng rẫy… Nhịp điệu
của “tỡi hủa-nuôn-tan” sôi trào, dồn dập nối tiếp nhau tưởng chừng như không
bao giờ dứt. Đây là những khúc ca ngắn, có giai điệu rõ ràng, nhịp điệu nhất
quán từ đầu đến cuối.
b.
Lăm-nhao: (trường ca) thường có các ca sĩ chuyên nghiệp trình diễn. Vào dịp lễ
hội lớn, dân bản thường cử người đi mời các “mỏ-lăm” về biểu diễn. Cùng đi với
“mỏ-lăm” còn có “mỏ-khen” (nhạc công chuyên thổi khèn bè). Mỗi lần về bản, họ
thường ở lại biểu diễn một vài tối và là khách quý của bản mường. Được tin có
“mỏ-lăm” về biểu diễn, nhân dân các bản xa gần cũng nô nức kéo nhau về dự làm
đêm hội thêm đông vui nhộn nhịp.
Bằng
các làn điệu dân ca, người “mỏ-lăm” trình diễn một trích đoạn hoặc một truyện
thơ nổi tiếng ở Lào như Xỉn-xay, Thão Hùng, Thão-Chương, Ka-lạ-kệt,
Cham-pa-xi-tỗn, Teng-Òn… Hòa quyện với tiếng khèn bè rộn rã, “mỏ lăm” khéo vận
dụng các làn điệu dân ca diễn tả một cách sinh động, phù hợp với cảnh, với
người trong câu chuyện như: khi leo dốc nhịp điệu chậm rãi, nước chảy nhịp réo
rắt, xuôi thuyền trên sông nhịp êm ả, khoan thai, miêu tả núi rừng nhịp điệu
trầm hùng, ngợi ca chiến công nhịp điệu nhanh, sôi nổi … Các buổi biểu diễn
“lăm-lượng” thường kéo dài đến khuya, có khi thâu đêm, các “mỏ-lăm” thường thay
nhau biểu diễn từng đoạn. Dân bản lắng nghe một cách thích thú và thỉnh thoảng
hò reo tán thưởng.
Ngày
nay, “lăm-lượng” vẫn được nhân dân Lào ưa thích, đặc biệt ở nông thôn. Không
riêng ở Lào, mà vùng đông bắc Thái Lan “lăm-lượng” cũng phổ biến. Vào các ngày
lễ hội, chợ phiên buổi tối thường có tụ điểm tổ chức “lăm-lương”. Do thời lượng
dài nội dung “lăm-lượng” phong phú, bố cục chặt chẽ hơn “lăm-xẵn”. Đặc điểm
chung của văn thơ cổ của Lào là để ca nên các tác giả hết sức chú ý đến nhịp
điệu, gieo vần (phổ biến là gieo vần lưng). Một số tác phẩm văn xuôi được
chuyển thành thể văn vần. Trước đây, một số tác giả người Lào đã mượn cốt
truyện thần thoại, anh hùng ca trong Ramayana của Ấn Độ để sáng tác. Tuy có sự
vay mượn nhưng các tác giả đã dựng lại trong bối cảnh của xã hội Lào, nhân vật
mang tâm tư tình cảm của người Lào và được viết theo thể thơ ca quen thuộc của
Lào.
2.
“Khắp”
Cùng
với “lăm”, “khắp” cũng là thể loại dân ca phổ biến ở Lào. “Khắp” là những khúc
ca ngắn giống hò ở Việt Nam (hò lơ, hò mái nhị, hò giã gạo… “Khắp” xuất hiện
khá sớm trong lịch sử và gần như một hình thức thơ trữ tình ở Lào. “Khắp” có
một số nét khác với “lăm”. Về nhịp điệu “khắp” tự do hơn “lăm”. Âm thanh của
“khắp” trầm lắng, dịu dàng. Mở đầu, dạo giọng “khắp”, người ta thường cất tiếng
“ời” ngân dài vút cao nồng nàn, tha thiết, sau đó người nghe đế, hò theo. Lúc
kết, “khắp” cũng ngân dài nhưng trầm xuống. Lời của “khắp” có thể không phải là
văn vần. Nhạc cụ đệm cho “khắp” ít dùng khèn bè, mà là cây nhị hai dây (xo).
Với đặc điểm trên “khắp” được coi là có tính quần chúng, thể hiện tình cảm rõ
hơn “lăm”. Riêng “khắp” Ngừm (Viêng-chăn) khó phân biệt, vì vừa là “khắp” vừa
mang tính chất “lăm-loòng”.
Nội
dung của “khắp” rất phong phú, nhưng thường phản ánh tình cảm của con người
trước cảnh vật, cuộc sống sinh hoạt quen thuộc của bản mường. Những hình ảnh
thân thuộc, bình thường nhưng đã gắn bó với mỗi người suốt cuộc đời như dòng
sông, bến nước, gốc bồ đề cổ thụ, tiếng trống chùa… đều đi vào “khắp”. Trai gái
cũng dùng “khắp” để tỏ ý tỏ tình nhưng thường tế nhị, kín đáo hơn “lăm”.
“Khắp”
được phổ biến rộng rãi ở các tỉnh miền Bắc Lào. Mỗi địa phương, mỗi dân tộc lại
có làn điệu “khắp” mang sắc thái riêng của mình. Ở Luổng-pha-bang có “khắp”
Thum, Xam-xao, “khắp” Xăm ở Xăm-nửa, “khắp” Lự ở Mường Xinh, “khắp” Ngừm ở
Viêng-chăn, “khắp” Tăng-vải ở Xa-vẵn-nạ-khệt. Dân tộc Phu-thay, Thay Đăm có làn
điệu riêng gọi là “khắp” Phu-thay, “khắp” Thay-đăm…
3.
Xỡng
Xỡng
cũng là một thể loại dân ca đơn giản, xuất hiện sớm nhất ở Lào nhưng không phổ
biến. Ca “xỡng” thường kèm với múa một người hoặc tập thể. “Xỡng” cũng có nhiều
loại như: xỡng bẵng-phay (ca trong lễ hội pháo thăng thiên), “xỡng” xuồng-hưa
(ca trong lễ hội đua thuyền)… Trong đám cưới, các cụ già thường ca “xỡng” mừng
cô dâu, chú rễ hoặc những ca khúc dành cho trẻ tuổi nhi đồng.
4.
“Àn nẳng-xử” (ngâm vịnh)
Đọc
có diễn cảm hoặc ngâm vịnh theo nội dung của một bài thơ hay một câu chuyện.
“Àn nẳng-xử” phổ biến nhất ở Luổng-pha-bang.
5.
I-kê-la-khon
Là
hình thức ca nhạc-kịch cổ có từ lâu đời ở Lào. Nội dung của “I-kê” thường là
những chuyện, truyền thuyết, cổ tích, ngợi ca những nhân vật anh hùng, những
người có công với bản mường trong lao động sản xuất, bản vệ bản làng, những
người nêu cao cái thiện, giàu lòng bác ái, từ bi. Ngoài ra còn có nhiều vở
“I-kê” đả kích bọn áp bức bóc lột, phê phán thói hư tật xấu trong nội bộ nhân
dân. Nhưng nhiều nhất vẫn là nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình
yêu trong sáng, thủy chung của nam nữ thanh niên.
6. Hoọng-phêng (hát)
“Phêng”
ở Lào có hai loại: những bài hát mới (tân nhạc), ảnh hưởng dòng nhạc phương Tây
và Thái Lan; một loại “phêng” tách ra từ I-kê (ca nhạc kịch).
Những
bài hát mới do các nhạc sĩ Lào sáng tác, bước đầu không mấy thành công. Số bài
hát hay được phổ biến rộng rãi không nhiều. Một thời gian sau mới xuất hiện một
số bài hát mới thấm đượm chất liệu dân ca, nội dung ca ngợi quê hương đất nước,
niềm tự hào dân tộc được phổ biến rộng rãi trong cả nước. Suốt một thời gian
dài những ca khúc này thường được thay lời mới cho phù hợp với thời đại và vẫn
được quần chúng ưa thích. Từ đây, “hoọng-phêng” đã khẳng định được vị trí của
mình nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên ở các đô thị.
Loại
bài hát tách ra từ “I-kê” (ca nhạc kịch) gần gũi với dân ca được ưa chuộng
không kém “lăm”, “khắp”. Loại nhạc này giàu âm điệu, uyển chuyển, nhịp nhàng
gắn với các điệu múa truyền thống của Lào. Một số nhạc sĩ Lào đã thành công
trong sáng tác những bài hát mới trên cơ sở kế thừa và phát huy loại nhạc này.
7.
Múa
Múa
ở Lào cũng phổ biến rộng rãi, từ thành thị đến nông thôn. Trong những ngày lễ
hội lớn nhỏ ở Lào đều tổ chức vui chơi hợp quần trong đó không thể thiếu tiết
mục múa. Có điệu múa một người, hai người hoặc tập thể vài chục người
(lăm-vông). Những đêm hội, già trẻ, gái trai đều tham gia múa ca một cách tự
nhiên thoải mái. Các điệu múa của Lào thường uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhịp
trống, động tác khá tự do, mang đậm màu sắc dân tộc.
Các
điệu múa xuất hiện sớm nhất ở Lào là múa “Bẵng-phay”, “Lăm phen”, rồi đến điệu
múa “Xỉ-nuôn”, “Kò-thạt”, Đoọc-bua (hoa sen)… Múa “Bẵng-phay” là điệu múa tập
thể trong ngày lễ hội pháo thăng thiên (Bẵng-phay). Múa “Lăm-phen” giống múa
tiên ở Ấn Độ, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xia. Múa “Kò-thạt” là múa tập thể xung
quanh ngọn tháp trong các ngày lễ hội tôn giáo. Đặc biệt là múa “lăm-vông” (múa
vòng tròn) tuy xuất hiện sau nhưng được phổ biến rộng rãi từ Bắc xuống Nam, từ
nông thôn đến thành thị và được coi như điệu múa tập thể tiêu biểu của dân tộc.
Múa “lăm-vông” xuất hiện vào thời điểm nào của lịch sử, đến nay chưa có lời
giải đáp thống nhất của các nhà nghiên cứu văn hóa Lào, nhưng nó đã tồn tại
nhiều thập kỷ qua và ngày nay nó vẫn có vai trò thật đặc biệt. Trong các ngày
lễ hội, dịp vui chơi tập thể, các buổi liên hoan của một cơ quan, nhà trường,
đơn vị vũ trang đều mở đầu và kết thúc bằng “lăm-vông”. Từng đôi nam nữ (có thể
cả hai đều là gái hoặc trai) múa vòng tròn theo nhịp trống (nhịp 2/4 hoặc 4/4).
“Lăm-vông” dễ múa, động tác sinh động, duyên dáng, uyển chuyển. Có thể
“lăm-vông” xuất phát từ điệu múa “lăm-thôn” (múa 1 người).
Trước
đây giai cấp phong kiến quý tộc Lào thường tổ chức múa cung đình và dùng đàn
“la-nát” (đàn thuyền). Đan “la-nát” ít phổ biến và dường như ít thấy ở các bản
làng chốn thôn quê. Ở thành thị, một số gia đình quý tộc, giàu sang mới dùng
đàn “la-nát”. Họ dùng đàn “la-nát” để biểu diễn trong các ngày lễ, hội hè do
gia đình tổ chức.
Múa
cung đình có múa đơn, múa đôi hoặc tập thể. Các vũ nữ múa cung đình được tuyển
chọn kỹ và tập luyện khá công phu do một số nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài
(thường ở Ấn Độ hoặc Khơ-me) hướng dẫn. Khi biểu diễn các vũ nữ được ăn mặc hết
sức lộng lẫy, sang trọng. Múa cung đình ít di chuyển, mà thường múa tại chỗ,
kết hợp biểu diễn nhiều động tác mềm mại, dịu dàng, uốn lượn của ngón tay, bàn
tay, cánh tay, vai, cổ, đầu, bàn chân cho đến ánh mắt, nụ cười, nét mặt theo
tiếng đàn “la-nát”. Múa cung đình là dịp mua vui cho nhà vua, hoàng tộc và số
quan chức gần gũi nhà vua. Một số điệu múa cung đình Lào được mô phỏng theo các
điệu múa cổ Ấn Độ, Khơ-me và xoay quanh đề tài đề cao, chúc tụng, sùng bái nhà
vua.
8.
Nhạc cụ
-
Khèn bè (khen):
Là
loại nhạc cụ phổ biến nhất ở các bản làng từ Bắc xuống Nam. Khèn bè dễ làm,
dùng nguyên liệu ngay trong rừng, dưới sự hướng dẫn của “mỏ-khèn”, các tràng
trai trong bản có thể tự làm được. Nhưng để có chiếc khèn bè âm thanh chuẩn
phải tìm mua ở các chợ phiên, do các nghệ nhân chuyên sản xuất bày bán. Từ lúc
còn tuổi thiếu niên con trai Lào đã học thổi khèn.
Khèn
bè không thể thiếu trong các đêm biểu diễn dân ca ở Lào. Những đêm trăng người
Lào thường rủ nhau sang chơi các bản làng lân cận, đi canh giữ hoa màu trên
chòi một mình, các chàng trai thường đeo theo chiếc khèn bè. Khèn bè đa âm, đa
sắc có thể biểu diễn được nhiều giai điệu khác nhau. Với nghệ thuật biểu diễn
tài tình của “mỏ-khen”, tiếng khèn bè lúc róc rách như dòng suối cạn giữa rừng
khuya, khi sôi nổi, dồn dập như thác đổ, có lúc khoan thai êm ả như dòng nước
trôi lững lờ… Có một số bản nhạc trữ tình mang tính tự sự mô phỏng thiên nhiên,
con người được “mỏ-khèn” biểu diễn hấp dẫn, gây xúc động lòng người, được quần
chúng yêu thích như bản: Mẹ góa ru con, Kiến cam ngắm hoa, Gió thổi qua rừng…
Khèn bè cũng được thổi trong dịp phong sắc cho sư, các đám rước trong các ngày
lễ hội Bẵng-phay (pháo thăng thiên), Phạ-vệt. Có thể nói rằng, cùng với tiếng
ru, tiếng trống, tiếng khèn bè đã đi vào ký ức tuổi thơ mỗi người Lào khi còn
địu trên lưng mẹ.
-
Trống (kong):
Trống
cũng là nhạc cụ phổ biến ở Lào. Có thể nói rằng không có bản làng nào ở Lào
không có trống và không ngày nào vắng tiếng trống, tiếng mõ ngân vang (bản có
chùa). Có nhiều loại trống như trống cái, trống cơm, trống con…
Trống
cái hai đầu bọc da dài khoảng trên một mét được treo trong một cái chòi nhỏ gọi
là “hỏ-kong”. Bản có chùa, thì treo trong chùa. Thông thường mỗi bản làng chỉ
sử dụng một cái trống cái và được đánh trong các trường hợp sau: lễ hội, ngày
kiêng kỵ trong tháng, cầm nhịp thời gian trong ngày, hội họp bản làng, báo tin
dữ xảy ra trong bản làng (cháy nhà, thú dữ tấn công, người chết, tăng lữ lâm
bệnh trầm trọng.
Trống
cơm (koong-tũm):
Trống
cơm được đánh cùng với một số nhạc cụ khác để múa tập thể trong ngày lễ hội
“bẵng-phay” (pháo thăng thiên). Trống con (Koong kình) được đánh trong các buổi
lễ cầu phúc.
Ngoài
ra còn nhiều loại nhạc cụ khác được dùng phổ biến trong các ngày lễ hội sản
xuất, tôn giáo, ma chay như: “khoọng” (chiêng), “xình” (rạo bạt), “pì” (sáo),
“khùi” (tiêu), “mạc chặp pì” (đàn), “xo” (nhị), “pôông” (mõ), “xèng” (thanh
la)…
Đôi
nét về nền văn nghệ kháng chiến:
Hơn
nửa thế kỷ dưới thời Pháp thuộc dòng thơ ca viết chính thống sống lay lắt,
nghèo nàn; chỉ còn thơ ca cổ truyền thống phát triển và là nguồn nuôi dưỡng ý
chí tự lập tự cường của dân tộc. Năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch
sử dân tộc. Một nước Lào độc lập ra đời, sau đó không bao lâu lại bước vào cuộc
đấu tranh chống ngoại xâm suốt ba thập kỷ vô cùng gay go ác liệt, gian khổ hy
sinh song cũng là chặng đường vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc. Tinh thần
quật khởi của nhân dân các dân tộc Lào trong cuộc kháng chiến trường kỳ là đề
tài mới vô cùng phong phú cho thơ ca. Từ đây, thơ ca truyền thống được kế thừa
và phát huy mạnh mẽ, thơ ca viết được phục hồi.
Để
giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc, ý thức bạn thù, tạo không khí lạc quan
trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng khốc liệt, Mặt trận Lào Ít-xạ-la đã liên
tiếp phát động phong trào sáng tác thơ ca. Theo chỉ thị của Chính phủ kháng
chiến, Ban chấm thi thơ ca từ cấp huyện trở lên được thành lập. Phong trào sáng
tác thơ ca diễn ra sôi động, rộng rãi ở khắp các cơ quan, đơn vị vũ trang,
xuống đến các bản làng. Với hình thức cũ, nội dung mới, thơ ca trong thời kỳ
này phát triển gần như độc tôn và đã góp phần cổ vũ nhân dân các dân tộc Lào
vượt qua muôn vàn gian nan thử thách trong những năm đầu của cuộc kháng chiến.
Cùng
với sự lớn mạnh về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế… văn nghệ kháng
chiến cũng có bước phát triển đáng khích lệ. Ngoài thơ ca truyền thống nhiều
thể loại mới ra đời. Đó là thơ mới, văn xuôi (ký, truyện ngắn, truyện dài) múa,
nhạc, kịch, nhiếp ảnh, điện ảnh… đặc biệt là ca hát (tân nhạc). Nhiều ca khúc
mới nổi tiếng xuất hiện, không chỉ được phổ biến rộng rãi trong vùng giải phóng
mà còn được đông đảo nhân dân, giới công chức, sĩ quan, binh lính ngụy trong
vùng địch kiểm soát ưa thích (Tiếng hò bên sông Mê-kông, Đất nước tự do…). Trên
cơ sở thơ ca cổ truyền thống, thơ ca kháng chiến ra đời và phát triển nhanh
chóng. Đó là những truyện thơ theo phương thức tự sự, ca ngợi những tấm gương
anh dũng kiên cường trong chiến đấu và sản xuất của nhân dân các dân tộc Lào.
Có nhiều bài thơ thuật lại một câu chuyện, một trận thắng oanh liệt của lực
lượng vũ trang cách mạng được phổ biến rộng rãi bằng hình thức “lăm-lượng”
(ca).
Những
năm kháng chiến, văn xuôi phát triển khá nhanh so với thơ ca, khoảng cách không
ngừng được rút ngắn. Tuy nhiên thơ ca vẫn dẫn đầu, vượt văn xuôi một chặng
đường dài. Sự phát triển của các loại hình nghệ thuật mới đã làm cho nền văn
nghệ kháng chiến trở nên đa dạng, phong phú, có tác dụng to lớn trong việc giáo
dục tình cảm cách mạng cho nhân dân trong vùng giải phóng cũng như vùng địch
tạm chiếm.
Nội
dung của các tác phẩm văn nghệ kháng chiến cũng có sự thay đổi sâu sắc. Trước
đây, nhân vật điển hình thường là những chàng trai, cô gái xuất thân từ tầng
lớp quý tộc xinh đẹp, tài ba, giàu lòng nhân ái nhưng bị đày đọa khổ ải, phải
nhờ đến phép mầu của Thần, Tiên, Phật mới thoát nạn. Ngày nay, nhân vật điển
hình là những con người mới, người chiến sĩ, công nhân, nông dân đang trực tiếp
chiến đấu, sản xuất anh dũng kiên cường chống quân xâm lược góp phần giải phóng
quê hương đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử văn nghệ của dân tộc, những tình
cảm mới cao đẹp đã đi vào các tác phẩm như tình quân dân thắm thiết, tình đồng
chí, đồng đội keo sơn, tình đoàn kết quốc tế cao cả…
Lực
lượng sáng tác, biểu diễn văn nghệ kháng chiến ngày càng đông đảo. Bên cạnh các
nghệ sĩ, ca sĩ cũ tham gia kháng chiến, còn có đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc
công trẻ trưởng thành trong khối lửa của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, được
đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngoài. Hàng chục đoàn văn công Trung ương,
địa phương, của Quân đội được thành lập. Mỗi bản làng đều có đội văn nghệ quần
chúng. Họ là những nghệ sĩ đồng thời là chiến sĩ trong suốt hai cuộc kháng
chiến trường kỳ.
Một
sự kiện lịch sử đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ngày nay vẫn được các nhà nghiên
cứu văn hóa giáo dục Lào nhắc lại một cách tự hào và ngợi ca. Mới thành lập
được hơn một tháng dù chiến tranh ác liệt, công việc bề bộn nhưng Chính phủ
kháng chiến Lào đã quyết định thành lập Ban nghiên cứu ngôn ngữ (9-9-1950) do
Thủ tướng, hoàng thân Xu-pha-nu-vông trực tiếp làm Trưởng ban, Bộ trưởng Giáo
dục Chãu Xúc vông-xắc làm Phó Trưởng ban. Qua một thời gian ngắn nghiên cứu
theo phương châm: dân tộc, nhân dân và tiến bộ, Ban nghiên cứu ngôn ngữ đã đưa
ra một số cải cách quan trọng như: mẫu tự Lào được quy định thống nhất theo
nguyên tắc âm vị học, vừa hợp lý vừa đơn giản dễ đọc, dễ học. Sau đó Ban nghiên
cứu ngôn ngữ quy định tiếng Lào, chữ Lào trở thành thông ngữ trong cả nước,
chấm dứt hơn 60 năm bị đẩy xuống hàng một thổ âm, chỉ được dùng trong giao tiếp
của nhân dân (các trường tiểu học phổ thông, thời thuộc Pháp chỉ dạy chữ Lào
mỗi tuần vài giờ). Và từ đây ngôn ngữ dân tộc được hồi sinh, tạo ra một bước
ngoặt cho văn học, nghệ thuật, văn hóa giáo dục phát triển mạnh mẽ.
Đồng
thời với việc cải cách ngôn ngữ, Ban nghiên cứu ngôn ngữ đã phát động phong
trào xóa nạn mù chữ rầm rộ, chưa từng có khắp các bản làng. Và thơ ca giữ vai
trò tuyên truyền, cổ vũ đắc lực nhất cho phong trào. Để tạo điều kiện thuận lợi
cho vai trò thông ngữ của tiếng Lào, chữ Lào, Ban nghiên cứu ngôn ngữ còn tiếp
tục phổ biến một số danh từ mới, đưa một số khái niệm, kiến thức mới vào đời
sống xã hội. Những việc làm của Ban nghiên cứu ngôn ngữ lúc bấy giờ có ảnh
hưởng mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân trong cả nước, nhất là giới trí thức,
công chức, học sinh, sinh viên.
Trong những năm kháng chiến,
thơ ca cổ truyền thống được kế thừa và phát huy, thơ ca kháng chiến ra đời,
đồng thời nhiều thể loại mới xuất hiện. Văn nghệ kháng chiến thực sự trở thành
vũ khí sắc bén, góp phần tích cực vào việc giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách
mạng, động viên lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc trong quần chúng nhân
dân các dân tộc Lào. Đã một phần tư thế kỷ đi qua, nhưng ngày nay các tầng lớp
nhân dân Lào vẫn say mê và tự hào về những ca khúc, những bài thơ mang hơi thở
của một thời đại oanh liệt, hào hùng của dân tộc.