Ma
chay
Trước
đây người Lào coi cái chết là bước ngoặt quan trọng cuối cùng của đời người,
bởi nó chấm dứt một kiếp tu nhân tích đức, chuẩn bị chuyển sang một kiếp khác.
Nhờ kiếp này tích được nhiều phúc đức nên kiếp sau sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đối với các phật tử Lào, cái chết không chỉ là sự mất mát buồn thương mà còn là
hình thức giải thoát của con người từ kiếp này sang kiếp khác.
Quan
niệm trên được thể hiện khá đậm nét trong các nghi thức tổ chức ma chay ở Lào.
Đặc biệt là các tín ngưỡng cổ, thuyết luân hồi, quan niệm về sự thống nhất và
mâu thuẫn giữa các sung lực như: âm-dương, sinh-tử, phúc-tội dường như xuyên
suốt các nghi thức. Người Lào cho rằng cái chết của con người gồm hai loại:
chết lành (tai-đi) và chết dữ (tai hãi). Người chết do già yếu, bệnh tật thông
thường được coi là chết “lành” hợp quy luật. Người chết không bình thường, chết
bất đắc kỳ tử (chết đuối, hổ vồ, cây đè, sét đánh, tai nạn…) đều coi là chết
“dữ”. Theo phong tục ở Lào, chỉ những người chết “lành” mới được tổ chức ma
chay đầy đủ nghi thức của lệ làng. Còn cái chết “dữ” được coi là bị trừng phạt
do kiếp trước có nhiều tội lỗi nên lúc chết không tắm xác, phải chôn, không
được hỏa thiêu. Sau khi chôn cất, người thân thường làm lễ cầu hồn, mời sư sãi
đến đọc kinh cầu nguyện giải thoát cho oan hồn. Nhưng dù là cái chết lành hay
dữ, hình thức tổ chức ma chay có đôi chỗ khác nhau, đối với người Lào thì đây
là dịp thể hiện tình cảm gia đình, anh em, xóm giềng, tính hợp quần, sự hòa
nhập của mỗi thành viên trong cộng đồng, một truyền thống tốt đẹp được hình
thành qua bao thế hệ gắn bó bên nhau trong sản xuất đấu tranh.
Khi
trong nhà có người đang hấp hối thì con cháu nhanh chóng soạn mâm lễ đơn giản
có gạo, nến, hương hoa để người sắp vĩnh biệt kiếp này kịp làm lễ cầu Phật lần
cuối cùng. Có địa phương con cháu mang hương hoa đến lễ và nhận mọi tội lỗi
mình đã gây ra đối với người sắp qua đời. Người Lào cho rằng với việc làm ấy sẽ
làm cho người đang hấp hối tự tin hơn ở cuộc sống kiếp sau và khi chết sẽ góp
phần đem lại sự bình yên, may mắn cho các thành viên trong gia đình.
Trong
nhà có người thân mới tắt thở, con cháu báo tin ngay cho họ hàng và tuy đau
thương nhưng người Lào không khóc lóc thảm thiết mà thường nén lòng chịu đựng.
Chủ tang lễ là người thân trong gia đình, anh em thân thiết hoặc một thầy pháp
có uy tín trong bản. Khi anh em, bà con đến đầy đủ, người thân bắt đầu tắm cho
người chết (ạp-nẵm-xộp) bằng nước nóng hay nước lạnh. Một số địa phương có tục
tắm cả bằng nước nóng lẫn nước lạnh. Sau đó được rửa lại bằng nước thơm (trước
kia thường là nước được ngâm các loại hoa). Người chết là ông bà cha mẹ, con
cháu thường dùng nước dừa non để rửa mặt. Những gia đình quyền quý còn có tục
dùng giấy in dấu tay chân để thờ cúng. Tắm rửa xong, người thân lấy một cái
lược mới bẻ gẫy rồi chải đầu, một mái tóc chải ngược về phía sau, một mái chải
xuôi về phía trước (vỉ phổm xộp). Chải xong chiếc lược đem vứt bỏ, người sống
kỵ không được dùng. Về khâm liệm (nũng hồm pha xộp) nếu mặc quần áo phải mặc
hai bộ, bộ bên trong lộn trái, bộ bên ngoài mặc bình thường. Nếu liệm bằng vải
(pha hảng) cũng quấn hai lớp, lớp bên trong đuôi vải liệm gài phía trước và lớp
ngoài đuôi vải liệm gài phía sau. Những tục trên, theo người Lào là thể hiện
tính kế tục giữa cái chết và sự sống.
Khâm
liệm xong, thi hài được đặt lên giường, chân tay duỗi thẳng. Con cháu lấy hương
hoa để trong cái đĩa hoặc đặt lên một cái gối để bên cạnh rồi lấy nước thơm vẩy
lên thi hài (hốt nẵm hỏm xộp). Sau khi vẩy nước thơm, người thân lấy đồng tiền
được mài sáng cho vào miệng người chết (ngân sày pạc xốp). Nhiều vùng ở Lào
thường dùng đồng hào bằng bạc với ý nghĩa để người chết tiêu pha trên đường
chuyển sang kiếp khác. Gia đình giàu sang thường dùng vàng sống trong lễ phạn
hàm. Nếu lúc sống nghiện trầu cau thì khi chết con cháu cũng giã trầu cau cho
vào miệng. Tiếp đó, người thân cầu khấn và lấy chỉ trắng buộc một vòng vào cổ,
hai tay, hai chân người chết (mắt xốp) rồi thắt ba nút. Người Lào kỵ không cắt
chỉ thừa sau khi buộc. Sau đó người thân dùng sáp ong gắn mắt, mũi, miệng, hai
lỗ tai người chết. Các tục này gắn với niềm tin là làm cho linh hồn người chết
được thanh thản khi chuyển sang kiếp khác, rũ bỏ mọi vấn vương của kiếp trước
và dầu muốn cũng không thể quay lại kiếp cũ vì đã mất hết cảm giác, không nghe,
không thấy không biết đường cũ để quay về. Ngoài ra nó còn xuất phát từ quan
niệm cho rằng cuộc đời mỗi con người đều bị ràng buộc bởi ba điều là vợ, con và
của cải mà tục ngữ Lào đã đúc kết: “Quý con như dây buộc cổ, quý vợ như vợ buộc
tay, quý của cải như vòng trói chân” (hắc lục pan xược phục kho, hắc mia pan po
phục xoọc, hắc khãu khỏng pan pọc xụp tin).
Ở
Lào, người chết dù chôn hay thiêu cũng dùng áo quan. Áo quan thường là một thân
cây gỗ đục hoặc bằng gỗ ghép. Dưới áo quan thường được lót lá chuối khô, thuốc
lá, sợi, gạo rang hoặc lá ớt sấy khô. Một số địa phương còn có tục làm một
chiếc cầu thang nhỏ có ba bậc (khẵn-đay xốp) để trong quan tài giúp người chết
lên xuống dễ dàng. Đến ngày giờ đã chọn trước, con cháu đến đầy đủ, sau khi các
nhà sư tụng kinh, người chết được đặt vào áo quan rồi dùng nhựa cây gắn nhiều
lớp thật kín và được để trong nhà từ ba đến bảy ngày. Con cháu, người thân thay
nhau túc trực bên quan tài. Ở hai đầu quan tài thường xuyên thắp nến hoặc đèn
dầu. Hàng ngày, đến bữa ăn, con cháu đem cơm, thức ăn, kể cả thuốc lá, trầu cau
đặt trên quan tài để cúng. Trong thời gian để quan tài trong nhà, hàng ngày đến
giờ quy định, con cháu mời sư sãi đến tụng kinh cầu nguyện và tổ chức dâng cơm
cho sư (liệng-phạ). Số lượng tăng lữ tùy khả năng, yêu cầu của mỗi gia đình,
nhưng trong ma chay thường ít nhất cũng có năm nhà sư đến tụng kinh cầu nguyện
cho linh hồn người chết được siêu thoát.
Người
Lào rất xem trọng hướng đặt thi hài (tẵng-xộp). Ngay sau khi tắt thở, dù đặt
nằm ở đâu hay khi đã nhập quan thì đầu luôn quay về hướng tây, chân về hướng
đông và không đặt người chết nằm cùng chiều với giát sàn nhà.
Trong
nhà có ma chay, người Lào thường ngăn nhà gọi là “khốp-ngăn”. Phòng đặt quan
tài để bà con xóm giềng, bè bạn đến phúng viếng gọi là ‘hươn đi” (nhà tốt).
Phòng kế bên là nơi ăn uống, ngâm vị thơ ca, đọc những pho truyện cổ dân gian,
đánh bài, vui chơi thâu đêm để mừng cho gia chủ có người được siêu thoát, đưa
tiễn một thành viên trong bản làng chuyển sang kiếp khác tốt đẹp hơn. Có thể
nói từ lúc trong nhà có người chết cho đến khi chuyển quan tài ra nơi hỏa táng,
phòng này dường như không bao giờ thiếu không khí tươi vui rộn ràng. Bởi vậy
cho nên ở Lào khi đi dự tang lễ không chỉ có thái độ buồn đau, thương cảm mà
sau khi vào viếng và chia sẻ cùng tang gia, khách sang phòng bên có thể hòa
nhập cùng gái trai ăn uống, hát ca. Việc tổ chức ma chay lớn hay nhỏ tùy gia
đình. Nhà khá giả có khả năng, đón tiếp bà con xóm giềng đến viếng, tổ chức ăn
uống linh đình thì có thể để quan tài trong nhà bảy ngày hoặc lâu hơn nữa. Gia
đình nghèo thường chỉ trong hai ba ngày là đem hỏa táng.
Sau
mấy ngày, anh em, bà con xóm giềng đến viếng người qua đời, chia buồn cùng tang
gia và dự vui chơi, người thân chuẩn bị đưa tang (xồng xạ-can xộp). Đây là nghi
lễ quan trọng nhất của đám tang. Ngoài con cháu họ hàng còn có tăng lữ và xóm
giềng đến dự. Nếu người qua đời là ông bà, cha mẹ, thường con trai, cháu trai
từ bảy tuổi trở lên cạo đầu đi tu năm bảy ngày hay một tháng. Con gái, cháu gái
hoặc con trai không có điều kiện đi tu thì bận áo váy màu trắng. Con cháu đi tu
càng đông thì càng tích đức được nhiều phúc đức cho người đã khuất. Bà con, họ
hàng gần, khi đi đưa tang bận quần áo trắng.
Trước
kia ở nông thôn có tục người chết ở buồng nào thì đặt ở buồng ấy. Khi chuyển
quan tài ra khỏi nhà, phải dỡ liếp hay ván thưng để tránh khiêng qua kèo nhà.
Người Lào cho rằng khiêng quan tài qua kèo nhà sẽ ảnh hưởng xấu đời sống, lao
động sản xuất của con cháu. Tục kiêng kỵ này ngày càng giảm dần và ngày nay hầu
như không còn nữa.
Trước
khi đưa quan tài ra nơi hỏa táng, người thân mời tăng lữ xuống tụng kinh, mời
thầy pháp đến làm phép đuổi ma tà, bệnh tật. Gia chủ vẩy nước phép từ chỗ đặt
quan tài ra đến hiên đầu cầu thang, ném các khăn lau bẩn lên bàn ghế, đổ hết
nước trong các chum vại rồi úp miệng xuống đất. Sư sãi tụng kinh xong, con cháu
tắt tất cả đèn nến đang cháy trên quan tài (đắp phay xốp), sau đó lại thắp lại.
Theo người Lào tục này tượng trưng cho cái chết - chấm dứt cuộc đời của một
kiếp và sự sống của một kiếp mới sẽ bắt đầu. Để chuẩn bị chuyển quan tài ra
khỏi nhà, con cháu, người thân lần lượt vái lễ một lần nữa. Bạn bè, xóm giềng
tập trung ở chân cầu thang chờ tiễn đưa người đã khuất ra nơi hỏa táng. Đi đưa
đám ma, người Lào thường mang theo hương, hoa, bó củi, cà-bong, dầu hôi… Khi
quan tài được chuyển xuống đất, gia chủ liền đảo cầu thang, mặt trong chuyển ra
mặt ngoài (phíc khăn-đay) và lấy một cành cây có gai buộc vào chân cầu thang
trong bảy ngày. Ở cửa ra vào, gia chủ cũng dắt hai cành cây nhỏ cài vào nhau và
khi khiêng quan tài ra khỏi nhà mới tháo bỏ. Tục này với ý nghĩa ngăn chặn
không cho ma quỷ lên nhà quấy rầy đồng thời để người chết không thể quay trở
lại mà phải chuyển sang một kiếp khác.
Ở
nông thôn, người Lào thường khiêng quan tài từ nhà ra nơi hỏa táng hay chôn
cất. Ở đô thị có thể dùng xe do người đẩy hoặc xe hơi. Dù bằng phương tiện nào
người Lào cũng luôn chú ý để chân ra phía trước. Nếu khiêng thì kỵ không được
đổi vai hoặc dừng chân ở dọc đường. Thông thường bà con xóm giềng ghé vai
khiêng một mạch, từ nhà ra địa điểm hỏa táng. Dẫn đầu đám tang là các nhà sư
tay cầm sợi chỉ trắng nối liền với quan tài (chung xộp). Tiếp sau là con cháu
nắm vào sợi dây để cùng dẫn người đã khuất ra nơi hỏa táng. Xóm giềng, bè bạn
đi sau quan tài. Đám tang từ nhà ra bãi tha ma, con cháu thường không khóc lóc,
than vãn mà chỉ sụt sùi để còn lắng nghe các nhà các nhà sư tụng kinh cầu
nguyện. Khi đưa đám người Lào có tục rắc gạo (xắt khạu-xản), rắc bỏng (vàn
khạu-tọc chẹc) đồng thời rải các cành cây ngang dọc đường (mãy khịt-thang) hoặc
bẻ gẫy các cây nhỏ hai bên đường.
Chọn
vị trí chôn cất hay hỏa táng trong bãi tha ma, người Lào thường dùng một nắm
xôi hay quả trứng tung lên, nếu rơi xuống chỗ nào thì chọn chỗ ấy làm nơi quả
táng hay chôn cất với quan niệm chủ chỗ đất ấy đã chấp nhận (thĩ pổng xộp).
Trước ngày hỏa táng, con cháu, họ hàng vào rừng chặt củi chất thành dàn lớn,
bốn góc đóng bốn cái cột (kong phon). Trước khi đặt quan tài lên dàn thiêu,
quan tài được khiêng đi quanh ba vòng (viên xảm họp), từ trái sang phải. Có địa
phương còn có tục lấy đòn khiêng gõ vào quan tài ba lần trước lúc đặt lên dàn
thiêu. Để giữ cho quan tài không bị đổ xuống lúc hỏa thiêu, người ta dùng hai
cây cột lớn dài chôn sâu xuống đất để nẹp hai bên quan tài gọi là “mạy khồm
hểng”.
Mở
đầu lễ hỏa táng, các nhà sư đọc kinh cầu nguyện, vẩy nước phép rồi tháo sợi chỉ
trắng buộc quan tài. Vải vóc, áo quần để trên quan tài cũng được bỏ ra. Con
cháu, bà con, xóm giềng dự lễ đều kính cẩn chắp tay trước ngực nghe tăng lữ
tụng kinh. Chủ tang lễ một tay đặt xuôi trước ngực, một tay cầm bình nước phép
rỏ xuống đất để dâng phúc đức cho người chết - có thể nói đây là nghi lễ có
không khí trang nghiêm nhất trong các bước tổ chức ma chay ở Lào. Trước lúc vị
sư châm mồi lửa vào dàn thiêu, chủ tang lễ cho tung tiền bố thí (vàn
kạ-lạ-phức). Đó là những quả “mạc-khụt” (giống quả chấp, dùng để gội đầu nhưng
vỏ xù xì), những bẹ chuối cắt nhỏ thành hình thù khác nhau, bên trong nhét
tiền. Thế là trẻ em, cả người lớn đi dự đám tang đều xông vào nhặt, họ tranh
giành, xô đẩy nhau tạo không khí hết sức ồn ào náo nhiệt. Vào dịp này những gia
đình khá giả thường làm lễ dâng tiền bạc, vải vóc cho các nhà sư dự tang lễ và
tổ chức tung tiền bố thí suốt từ nhà ra nơi hỏa táng. Khi ngọn lửa trên dàn
thiêu bốc cháy, những người đi dự đều góp thêm lửa nhưng không được châm lửa
của nhau. Họ tự đánh diêm hoặc châm từ một đống lửa đã đốt sẵn ở bên ngoài. Đến
đây, lễ hỏa táng coi như kết thúc.
Khi
về nhà, con cháu thường tắm rửa, gội đầu, hơ lửa để xua đuổi tà khí hay làm lễ
“xù khoẳn”. Có gia đình thỉnh sư sãi xuống làm lễ đọc kinh cầu nguyện cho gia
chủ bớt nỗi nhớ thương, tránh mọi ốm đau bệnh tật, ma quỷ không đến quấy rầy
gọi là lễ “mông-khôn”. Tục thiêu xác trở thành phổ biến ở Lào đối với những
người chết bình thường (tai-đi). Nhưng không phải ngày nào cũng có thể làm lễ
hỏa táng. Xưa nay người Lào không làm lễ hỏa táng vào các ngày kiêng kỵ (văn
phạ) hoặc vào thứ ba. Theo người Lào, hỏa thiêu vào những ngày ấy sẽ ảnh hưởng
không tốt đến con cháu. Ngày giờ thiêu thường do các già bản hoặc thầy pháp
tính toán quyết định.
Ba
ngày sau khi thiêu xác, người thân mời bà con, xóm giềng, và các nhà sư ra làm
lễ nhặt xương (kết đục). Cùng với tiểu đất nung, nước rửa xương, tang gia còn
chuẩn bị cơm, nước, bánh trái để cúng hồn người chết. Chủ tang lễ khấn báo cho
linh hồn người chết ngày mai con cháu sẽ làm lễ “khạu-chẹc” và mời về dự trước
khi đi đầu thai một kiếp khác. Khấn xong người thân nhặt xương xếp thành hình
người nằm quay đầu về hướng Tây với ý niệm đây là người chết rồi tăng lữ đọc
kinh gọi là “xụt-môn xắc-băng xạ-cun tai”. Ngay sau đó, người thân lại xếp bộ
xương thành hình người nằm quay đầu về hướng Đông, tượng trưng cho sự sống, các
nhà sư lại đọc kinh gọi là “xụt-môn băng xạ-cun pên”. Tăng lữ tụng kinh cầu
nguyện xong, coi như kết thúc các nghi lễ ma chay ở Lào. Con cháu gạt than, tro
xuống một cái hố gần nhất để chôn. Cốt của ông bà, cha mẹ được rửa sạch cho vào
tiểu sành đem về chùa chôn và có thể dựng một tháp nhỏ lên trên. Vào những ngày
kiêng kỵ hoặc lễ hội, mỗi khi lên chùa nghe tụng kinh niệm Phật, người thân
thường ghé qua phần mộ này đặt bông hoa, thắp nén nhang khấn vái tưởng nhớ
người đã khuất.
Ngày nay cùng với sự phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội mặt bằng dân trí ngày càng được nâng cao. Đặc
biệt thế hệ trẻ có điều kiện học tập văn hóa tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Dù
còn nhiều tồn tại trong nếp nghĩ, thói quen của tập tục cũ đã có từ lâu đời,
việc tổ chức ma chay ở Lào có xu hướng tiến bộ rõ rệt, những hủ tục rườm rà tốn
kém được giảm dần, những tục lệ tốt đẹp được kế thừa và phát huy.