Về
sinh đẻ
Trước đây cũng như ngày nay, người Lào quan
niệm việc sinh đẻ, tu hành, cưới xin, ma chay là những bước ngoặt quan trọng
trong cuộc đời mỗi người. Và đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tình thương
yêu đùm bọc lẫn nhau trong gia đình, bà con, xóm giềng, bản làng. Ở các vùng thôn
quê cũng như đô thị trước kia việc sinh đẻ có nhiều kiêng kỵ, phức tạp. Có
những nội dung được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, nhưng không ít điều cấm kỵ
mang đậm dấu ấn tín ngưỡng cổ và Phật giáo. Những cấm kỵ này tồn tại suốt một
thời gian dài cho đến khi mạng lưới y tế được triển khai xuống tận bản làng thì
mới có sự thay đổi mạnh mẽ dưới chế độ mới sau năm 1975.
Nước Lào đất rộng người thưa, nhân dân Lào
tôn sùng đạo Phật nên rất quý trọng con người, coi con người là tài sản quý giá
nhất. Do đó mọi kiêng kỵ từ xa xưa không ngoài mục đích bảo vệ con người. Đa số
người Lào tin rằng ở hiền sẽ gặp lành, ăn ở tai ác sẽ gặp họa. Muốn có con
người hiền lành, người mẹ phải lo sống chuẩn mực ngay từ lúc đứa con còn nằm
trong bụng. Dù là trai hay gái, đứa con trong bụng đều chịu ảnh hưởng đến tính
tình của người mẹ, do đó người phụ nữ Lào khi mang thai thường được khuyên
không nên cáu gắt, phiền muộn hoặc nói dối mà phải luôn sống vui vẻ, tâm hồn
thanh thản. Ngoài ra còn một số điều răn khác được một số bà mẹ mang thai ở Lào
quan tâm thực hiện đồng thời để tích phúc đức cho đứa con sau này như:
-
Luôn có lòng bác ái.
-
Không đánh đập, hành hạ động vật.
-
Không nói dối, ăn cắp dù rất nhỏ.
-
Không ăn nói chua ngoa.
-
Không say mê điều gì theo ý thích chủ quan của mình.
Trong giai đoạn này cũng có một số lời
khuyên đối với người chồng, đồng thời cũng là trách nhiệm của người cha đối với
đứa con sắp ra đời.
-
Chăm sóc vợ.
-
Quan tâm đến việc ăn uống của vợ.
-
Giữ tâm hồn mình luôn trong sạch.
-
Tránh sự say mê bất kỳ điều gì theo ý thích của mình.
Khi người phụ nữ có thai, nhất là đứa con
đầu, cả gia đình họ hàng đều vui mừng. Để chia sẻ niềm vui đồng thời cầu nguyện
mọi sự yên lành cho người mang thai, cha mẹ thường làm lễ “xù-khoẳn”. Lúc này
thông thường người mẹ đẻ quan tâm nhiều nhất đến con gái mình. Việc phá thai
đối với người Lào là một điều tối kỵ, là một tội lỗi. Bởi vậy việc phá thai đối
với người Lào, nhất là ở nông thôn là điều xa lạ.
Về chế độ ăn uống, trước đây trình độ tuy
còn nhiều hạn chế nhưng từ thực tiễn người Lào đã đúc kết được nhiều kinh
nghiệm bổ ích đối với người mang thai. Chẳng hạn người mang thai không được ăn
uống cho bõ thèm, tránh ăn những thức ăn quá béo, cay, ngọt, chua và mặn. Dù có
mệt mỏi nhưng không nên nằm, ngồi nhiều. Ở nhiều địa phương còn có một số điều
kiêng kỵ phổ biến khác người mang thai thường được người già nhắc nhở giữ gìn
như: không ăn sọ dừa, sợ đặc ruột, không ăn trái cây dính liền nhau sợ đẻ sinh
đôi, tránh bước qua những sợi dây bện, sợ nhau bị cuốn. Người có thai còn phải
tránh không đứng ngồi ở ngưỡng cửa ra vào, nói chung ở vị trí nối tiếp nhau
giữa trong ngoài, trên dưới, sợ lúc sinh sẽ dở dang, kéo dài. Về ngày tháng
sinh con, tuy không có trình độ chẩn đoán như ngày nay, nhưng các cụ già lúc ấy
đã đúc kết “con so chửa mười, con rạ chửa chín” (con so trên chín tháng, con rạ
trên tám tháng). Vào tháng cuối, người phụ nữ có thai chỉ làm việc lặt vặt
quanh quẩn trong nhà. Người gần gũi săn sóc, sẵn sàng hỗ trợ, lúc này thông
thường là mẹ đẻ, nếu không còn mẹ thì chị em, họ hàng người thân cùng giới.
Khi trở dạ, người nhà nhanh chóng đi mời bà
đỡ gọi là “mỏ tăm-nhe”. Vào thời điểm này, điều tối kỵ là có người đứng ở cầu
thang, thập thò ở ngưỡng cửa hoặc nói những chuyện khúc mắc không giải quyết
được dù người ấy là người nhà, họ hàng xóm giềng chạy sang thăm hỏi giúp đỡ.
Người Lào cho rằng hành động và lời nói trên sẽ ảnh hưởng đến việc sinh nở của
sản phụ. Đỡ lưng, xoa bụng, an ủi sản phụ trong suốt thời gian đẻ đau này là
một phụ nữ đứng tuổi, có họ hàng gần gũi, đông con, gia đình sống hạnh phúc. Đẻ
xong sản phụ được dìu đến nằm bên bếp lửa và bắt đầu từ đây phải qua thời gian
nằm lửa gọi là (dù-căm). Thông thường người đẻ con so ít nhất cũng qua 15 ngày
nằm lửa, con rạ khoảng 10 ngày. Suốt thời gian nằm lửa, người nhà, bà con thân
thuộc thay phiên nhau đẩy củi quanh bếp lửa để canh chừng sản phụ với quan niệm
để phòng ma tà có thể đến làm hại gọi là “căn-phay-lượt”. Những ngày này sản
phụ được ăn uống khá tốt để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, có nhiều sữa cho con
bú. Gia đình thường tránh không cho sản phụ ăn các món ăn có chất béo, chất khó
tiêu hóa. Còn nước uống sản phụ chỉ được uống các loại nước lá đun sôi – một
loại thuốc dân gian gọi là “mõ-kăm”. Sau một hai ngày nằm lửa, nếu sức khỏe
bình thường thì sản phụ được tắm rửa bằng nước nóng. Tắm xong người nhà lên
chùa xin nước phép (nặm-môn) về vẩy cho sản phụ.
Theo tục lệ của người Lào chỉ có con hay
cháu ruột mới được sinh đẻ trong nhà. Còn người ngoài dù thân quen đến đâu cũng
phải dựng tạm một cái lán ngoài vườn để sinh nở. Người Lào cho rằng nếu không
phải con cháu mà đẻ trong nhà thì sẽ xui xẻo, ảnh hưởng đến công việc làm ăn
bình thường của gia đình. Trong thời gian nằm lửa, gia đình thường tổ chức
ngâm, đọc các loại truyện cổ dân gian, đánh bài, trai gái đến hát ca tạo không
khí vui vẻ tránh buồn tẻ hoặc sợ hãi. Cũng dịp này, bà con họ hàng, xóm giềng
đến thăm hỏi tặng quà mừng như hoa quả, váy áo, vòng cổ, vòng tay để thể hiện
tình cảm thân thiết đối với sản phụ và gia đình. Đối với số gia đình neo đơn,
chị em bè bạn đến thăm thường giúp đỡ một số công việc vặt nhưng thiết thực như
giặt giũ, gánh nước. Trong thời gian này, gia đình thường cắm “ta-lẻo” và một
cành lá dưới cầu thang để ngăn chặn ma tà đồng thời là tín hiệu báo cho khách
lạ biết trong nhà đang có người phải kiêng cữ để giữ ý tứ trong giao tiếp.
Chẳng hạn không nói chuyện dữ, tin không vui làm ảnh hưởng đến tư tưởng sản
phụ.
Hết thời gian nằm lửa, gia đình làm lễ
“xù-khoẳn” cho sản phụ, bà con xóm giềng đến dự lễ và buộc chỉ cổ tay chúc mừng
sản phụ sinh đẻ an toàn, mẹ tròn con vuông, bởi người Lào coi việc sinh nở rất
hệ trọng, dễ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Sau lễ “xù-khoẳn”, sản phụ
có thể tắm rửa bằng nước lạnh, ăn uống bình thường không phải kiêng khem như
trước.
Đối với trẻ sơ sinh, từ lúc lọt lòng đến khi
được ẵm đến đặt nằm bên người mẹ tuy chỉ là thời gian ngắn nhưng cũng phải qua
một số nghi lễ. Sau khi được bà đỡ cắt rốn trẻ sơ sinh được đặt xuống nền nhà.
Đây là thời điểm rất quan trọng được coi là giờ phút cất tiếng chào đời của trẻ
sơ sinh. Cha mẹ phải ghi nhớ để sau này còn xem số tính tuổi đi tu, lấy vợ, lấy
chồng. Theo tục lệ cổ truyền, lúc đặt xuống sàn nhà con trai phải nằm ngửa, con
gái phải nằm sấp. Nếu đặt ngược lại thì coi như điều nghịch, sau này lấy vợ lấy
chồng sẽ không có con hoặc con cái bị tàn tật. Ngay sau đó bà đỡ sẽ dùng dầu
dừa hay sáp ong xoa toàn thân đứa trẻ rồi dùng khăn lau sạch. Tiếp theo đứa trẻ
sơ sinh được tắm bằng một nồi nước lá đun sôi để nguội. Người tắm thường chú ý
nắn chân tay cho trẻ. Tắm rửa, mặc áo, quấn tã xong trẻ lại được nằm trong một
cái nia có lót một miếng vải trắng. Đây cũng là một tục phổ biến ở nông thôn
Lào với quan niệm là đứa trẻ sẽ khỏe mạnh, mập mạp. Sau khi nằm vào chiếc nia,
người nhà bê chiếc nia ra đặt ngay ở ngưỡng cửa ra vào để cúng ma tà, người làm
lễ đẩy miệng nia sát vào cửa đồng thời khấn đi khấn lại: “Nếu con bay thì lấy
đi, qua ngày nay, ngày mai là con tao”. Tục cúng này cũng phổ biến ở vùng nông
thôn Đông Bắc Thái Lan với quan niệm ba ngày đầu đứa trẻ có thể chết do ma quỷ
đầu thai, sang đến ngày thứ tư mới chắc là một kiếp người đầu thai.
Tục cúng như trên nảy sinh và tồn tại do
nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân quan trọng nhất có thể do lúc bấy
giờ ở Lào tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh khá cao do hình thức đỡ đẻ quá lạc hậu
và nhiều tục lệ dị đoan thường xuyên đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh. Làm lễ cúng
ma tà xong trẻ sơ sinh mới được ẵm đến đặt nằm cạnh người mẹ. Bình thường sau
một hai tuần trẻ được nằm nôi. Lễ nằm nôi được tổ chức khá trang trọng, có đông
đủ bà con xóm giềng đến tham dự. Một hình thức được nhiều địa phương quan tâm
trong lễ nằm nôi là bỏ giấy bút vào nôi cùng lúc với trẻ với niềm tin sau này
lớn lên đứa trẻ sẽ học hành thông minh. Nếu con gái thì bỏ kim chỉ vào nôi để
sau này trở thành cô gái giỏi công việc may vá, cán bông dệt vải.
Trước đây, người Lào không đặt tên ngay cho
con sau khi sinh, điều quan trọng là cha mẹ nhớ kỹ ngày giờ sinh (lúc đặt xuống
sàn nhà). Ở nhiều nơi đứa trẻ đã biết chạy nhảy tung tăng dưới sân nhưng vẫn
gọi bằng cái tên chung như “bặc e, i-nang” (giống thằng cu, cái đĩ) bởi người
Lào rất ngại đặt tên lúc mới lọt lòng cũng như ở tuổi nhi đồng vì sợ ma tà quấy
rầy hoặc bắt mất. Có trường hợp đứa trẻ cạo đầu nhập tu làm chú tiểu mới đặt
tên thật, một số gia đình hiếm hoi hoặc khó nuôi con, thường có tục làm lễ gửi
gắm cho một nhà sư đỡ đầu với ý nghĩa ma tà sẽ kiêng nể những người tu hành.
Trẻ em được nhà sư đỡ đầu trước cái tên thật của mình còn có thêm tiếng “khên”
nghĩa là dâng, cúng như Khên Mi, Khên Ma chẳng hạn. Việc đặt tên cho đứa con
theo tục lệ xưa ở Lào cũng không hoàn toàn theo ý muốn của ông bà, cha mẹ mà
phải dựa vào ngày sinh là ngày “cứng” hay “mềm”, chẳng hạn trẻ sinh vào ngày
thứ ba là ngày cứng thì tên con phải mềm cho dung hòa như Òn-Xả, Òn-Xỉ (òn có nghĩa
là mềm). Nếu sinh vào ngày thứ hai là ngày mềm phải đặt tên cứng như Thong-Mi,
Thong-Ma (Thong là đồng). Để biết được ngày cứng hay mềm cha mẹ phải nhớ ngày
giờ sinh rồi nhờ sư bác tính. Người Lào thường thích chọn cho con mình những
cái tên rất đẹp gắn với âm thanh, màu sắc của núi rừng, sông suối hoặc những
đức tính tốt của con người gồm toàn thanh bằng, có hai âm tiết nghe rất êm ái.
Con trai thường được đặt tên như: Thong-Đăm, Thong-Đeng, Bun-Mi, Bun-Ma (đồng
đen, đồng đỏ, có phú, phúc đến)…còn con gái thường mang tên các loài hoa, ánh
trăng hoặc các loại đá quý như Bua-Khăm (sen vàng), Chăn-Phêng (trăng rằm)…do
đó người Lào thường có tên trùng lặp nhau.
Về họ, trước đây người Lào không có khái
niệm giống như một số dân tộc khác, con phải mang họ cha thể hiện sự kế tục của
dòng họ, bởi vậy suốt một thời gian dài người Lào không dùng họ đặt sau tên
mình. Vào khoảng thập kỷ ba mươi, bốn mươi của thế kỷ XX này tầng lớp trí thức,
phong kiến quý tộc mới bắt đầu dùng họ đặt sau tên nhưng không phải con mang họ
cha. Lúc ấy người Lào thường lấy họ theo ý thích cá nhân hoặc tiểu gia đình,
bởi vậy trước đây không thể căn cứ vào họ để tìm mối quan hệ về huyết thống
dòng họ ở Lào. Dưới thời chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ có một số
gia đình quý phái, trí thức, tư sản mại bản có ý thức dùng họ cha để củng cố uy
thế của dòng họ, vợ lấy họ chồng, thậm chí một số tay chân thân tín cũng lấy họ
“chủ” của mình như họ Chăm-pa-sắc ở Nam Lào, họ Xạ-nạ-ni-kon ở Viêng-chăn. Ở
một số vùng nông thôn vẫn có trường hợp người con trai đến làm rể lấy họ vợ là
chuyện bình thường. Hiện tượng này không bị ràng buộc hoặc đối lập nhau mà tồn
tại một cách tự nhiên trong xã hội, mặc dầu chế độ phụ quyền được khẳng định từ
lâu trong lịch sử.
Từ lúc lọt lòng mẹ đến khi chập chững biết
đi, trẻ thơ chủ yếu dựa vào nguồn sữa mẹ, cháo hoặc cơm nhai. Ở nông thôn trước
kia, lúc ốm đau dù nặng hay nhẹ đều nhờ thuốc cổ truyền dân tộc kết hợp với
cúng bái, cầu xin Trời, Đất, Thần, Phật. Nhiều trẻ thơ do không thích nghi được
với môi trường sống nên sinh bệnh tật, nhất là khi có các dịch bệnh. Rất nhiều
trường hợp cha mẹ phải bó tay trước giây phút hấp hối của con cái, chỉ vì không
có mạng lưới y tế, thuốc men, đường sá không có, đi lại gặp rất nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh lo sợ thương con nhưng bất lực nên dẫn cha mẹ đến chỗ mê tín,
sẵn sàng làm mọi nghi lễ miễn có thể cứu được con mình. Ở nhiều địa phương còn
có những tục kiêng kỵ khác như thấy con khỏe mạnh, mập mạp cũng không dám khen
mà đâm lo sợ phải đi xin người đỡ đầu, nhận làm con nuôi, đeo nhiều vòng vía
bằng bạc ở cổ tay, chân hoặc những gói bùa phép do thầy cúng cấp. Phải đến cuối
năm 1975, đất nước được giải phóng hoàn toàn mới có điều kiện phát triển mạng
lưới y tế xuống tận bản làng. Hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em đóng vai trò hết sức
quan trọng trong việc nâng cao kiến thức cho các sản phụ. Hơn 20 năm qua nhiều
nhà hộ sinh được xây dựng khắp bản mường lớn, giao thông đi lại giữa các bản
được nối liền thuận tiện. Những tục lệ kiêng kỵ mê tín dị đoan, cách đỡ đẻ phản
khoa học của các bà mụ xưa kia đã bị đẩy lùi trước ánh sáng sản khoa hiện đại.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã được kéo xuống ở mức thấp nhất trong lịch sử.