Quan
hệ gia đình, họ hàng, xóm giềng
Các bản mường ở Lào thường có một số dòng
họ. Mỗi họ có nhiều gia đình. Các gia đình này gắn bó chặt chẽ với nhau về mặt
truyền thống, tình cảm và kinh tế. Về họ hàng, người Lào có họ cha, họ mẹ và họ
nhà chồng, nhà vợ. Gửi rể là tập quán phổ biến ở nông thôn Lào. Một số địa
phương có tục gửi rể một thời gian nhất định, khi vợ chồng ra ở riêng sẽ được
hưởng một phần tài sản do cha mẹ vợ chia cho. Tùy mỗi nhóm dân tộc, mỗi địa
phương, quyền lực trong gia đình thuộc người chồng hay người vợ. Đương nhiên,
với chế độ tiểu gia đình phụ quyền thì quyền lực sẽ thuộc về người chồng. Song,
nhìn chung người phụ nữ Lào vẫn có một số quyền hành nhất định, chứ không hoàn
toàn ở vào vị trí thấp kém trong gia đình cũng như xã hội.
Trong gia đình, con gái có quyền lực ngang với con trai. Con gái được tự do đi dự lễ hội, múa hát dưới ánh trăng cùng bạn bè, kể cả bạn trai. Trong những ngày lễ hội của bản mường, con gái không bị ngăn cản mà còn được công nhận như một thành viên chính thức. Các cô gái Lào có thể tự do kéo sợi, dệt vải, may chăn màn, làm nệm, thêu gối chuẩn bị cho ngày cưới của mình. Khi bố mẹ chia tài sản, con gái cũng được hưởng một phần ngang với con trai. Riêng giai cấp phong kiến Lào xưa không công nhận vai trò của người phụ nữ, luật pháp của vương quốc Lào trước đây quy định người phụ nữ không phải làm nghĩa vụ với Nhà nước.
Người Lào rất quý con, dù trai hay gái. Tất
nhiên, những vùng có tục gửi rể, con gái được quý hơn. Xưa nay, người Lào cũng
có tâm trạng phiền muộn, cảm thấy thiếu hạnh phúc khi vợ chồng lấy nhau lâu mà
không có con. Người Lào thường nói “Không có mèo chuột cắn khung cửi, không có
con, họ hàng coi khinh”.
Ở Lào, gia đình một vợ một chồng là phổ
biến. Tầng lớp phong kiến, quan lại giàu sang lấy hai, ba vợ nhưng thông thường
mỗi vợ ở một nhà riêng hoặc một địa phương khác. Vì cái cảnh vợ lẽ, vợ cả cũng
là nguyên nhân gây nên những mối quan hệ khá phức tạp đúng như người Lào thường
ví: “Muốn nhà lắm rác thì ăn măng, muốn ầm nhà thì lấy vợ lẽ”. Con chú con bác
hay con cô con cậu ở Lào không được lấy nhau. Nhưng trong hoàng tộc, không
những con cô con cậu mà chú có thể lấy cháu. Anh em ruột, anh em họ hay bà con
họ hàng thường có quan hệ gắn bó với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Trong họ,
ai săn bắn được con mồi lớn, bắt được mẻ cá ngon đều được san sẻ, cả họ đều có
phần. Lúc gặp khó khăn hoạn nạn thì họ hàng đùm bọc, cưu mang, chủ động mang
đến cho không chứ không phải hỏi xin hay vay mượn. Bà con họ hàng không đòi hỏi
điều kiện gì ngoài lòng mong muốn người thân vượt qua khó khăn trước mắt, về
sau khi làm ăn thuận lợi khấm khá vẫn không bao giờ quên tình nghĩa anh em họ hàng.
Sau ngày mùa, có thời gian rãnh rỗi, người Lào có tục thu xếp quà cáp đi thăm
hỏi bà con họ hàng gần xa với quan niệm: “Ngọc không dũa ba năm thành sỏi đá,
bà con không đi lại ba năm hóa người dưng”. Gia đình nào hiếm con cái thường
nuôi con bác, con chú cho khỏi vắng vẻ. Một số địa phương ở Nam Lào, chị em gái
lấy chồng có con đã ra riêng nhưng vẫn gần gũi thương mến nhau hơn cả anh em
trai.
Cách xưng hô của người Lào cũng tự nhiên và
đơn giản. Tuy có ý thức rõ về anh em họ hàng, trên dưới nhưng thông thường khi
giao tiếp ai lớn tuổi hơn thì được gọi là anh, là chị. Nhiều địa phương ở Lào
có tục không gọi tên thật lúc còn nhỏ, mà con gái thường được gọi là “bặc e”
tương tự như cái đĩ, thằng cu. Các cô gái 15, 16 tuổi trước cái tên thường dùng
của mình còn có thêm tiếng “sảo”, con trai mười tám đôi mươi chưa có vợ gọi là
“ai-bào” để hiểu họ là gái chưa chồng, trai chưa vợ. Vợ chồng lấy nhau đẻ con
đầu lòng được đặt tên là gì thì cha mẹ được dân bản gọi vợ chồng bằng tên ấy và
phía trước có thêm tiếng bố hoặc mẹ. Chẳng hạn đứa con gái đầu lòng đặt tên là
Bua thì người cha, người mẹ được gọi là “phò Bua, mẹ Bua”. Khách nước ngoài đến
Lào không khỏi ngạc nhiên khi thấy người được gọi là cha là mẹ còn quá trẻ.
Thực ra, cách gọi đó chỉ có nghĩa là bố mẹ của đứa con đó mà thôi. Cặp vợ chồng
lấy nhau lâu năm không có con thì dân bản gọi là “phò pàu-mẹ pàu” (bố không, mẹ
không).
Ở Lào còn có tục kết nghĩa anh em, bạn be
gọi là “phục-xiều” (kết bạn). Đôi bạn kết nghĩa thường thân thiết gắn bó hơn
anh chị em ruột. Bởi anh em ruột tuy cùng máu mủ nhưng không chắc đã hợp tính
tình. Còn “xiều” thường là bạn chuyển thành bạn kết nghĩa, nên tâm đồng ý hợp.
Hai người bạn cùng lứa tuổi, chơi thân với nhau một thời gian, nhận thấy có
nhiều điểm hợp với nhau, cảm mến, tôn trọng nhau thì có thể kết nghĩa. Không ít
trường hợp chỉ mới quen biết nhau nhưng đã có cử chỉ, hành động chân tình, giúp
đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, hai người có thể làm lễ kết nghĩa. Việc
kết nghĩa không nhất thiết phải cùng lứa tuổi, nhiều trường hợp hơn kém nhau
dăm ba tuổi nhưng thấy thân thiết, hòa hợp, cần có nhau trong cuộc sống lao
động sản xuất vẫn có thể kết nghĩa gọi là “ai-hắc” và “nọng-hắc” (anh kết
nghĩa, em kết nghĩa). Lễ kết nghĩa tuy đơn giản nhưng trang trọng. Ngoài hai
người kết nghĩa, đại diện gia đình hai bên, còn có các già bản đến chứng kiến
buổi lễ buộc chỉ cổ tay và uống nước thề giữ trọn tình nghĩa bạn bè, anh em kết
nghĩa. Những người đến dự cũng chân thành chúc cho tình nghĩa giữa đôi bạn kết
nghĩa mãi mãi bền vững dù trong hoàn cảnh nào cũng không bỏ nhau. Khi lấy vợ có
con, vợ và con của đôi bạn kết nghĩa cũng quan hệ thân thiết. Họ thường gọi
người bạn kết nghĩa của chồng bằng cái tên hết sức thân mật là “phò-hắc” (bố
kết nghĩa). Không chỉ riêng với nam giới, tục kết nghĩa còn phổ biến trong giới
nữ ở mọi lứa tuổi, trẻ cũng như già. Khi lấy chồng có con, chồng con của đôi
bạn kết nghĩa cũng trở nên gắn bó, đi lại thăm hỏi như bà con họ hàng. Người
chồng gọi bạn kết nghĩa của vợ mình là “mẹ-hắc” (mẹ kết nghĩa) và con gọi là
“lục-hắc”. Tục kết nghĩa anh em, bè bạn tồn tại khá lâu và ngày nay vẫn được
duy trì. Rất nhiều đôi bạn kết nghĩa đã quan hệ đối xử với nhau hết sức tốt đẹp
trọn tình, trọn nghĩa, không thua kém anh em ruột thịt.
Ngoài họ hàng bà con ra, mỗi thành viên trong
bản làng còn có mối quan hệ với xóm giềng. Dù không cùng chung huyết thống
nhưng lại có rất nhiều mối quan hệ ràng buộc với nhau trong cuộc sống, lao động
sản xuất. Có thể nói, họ đã biết dựa vào nhau, đùm bọc nhau trong cuộc đấu
tranh để sinh tồn. Khi trình độ sản xuất còn thấp kém, kỹ thuật canh tác còn
lạc hậu thì những việc như làm ruộng, phát rẫy, đắp mương, rồi thiên tai địch
họa…đều phải dựa vào sức lao động của cả cộng đồng. Có thể nói xưa nay, mỗi gia
đình trong bản có công việc hệ trọng như: bệnh tật đau ốm, sinh nở, cưới xin,
ma chay, tu hành…đều có sự hỗ trợ to lớn của xóm giềng, bản làng. Các thành
viên trong bản coi việc giúp đỡ lẫn nhau là nghĩa vụ, là đạo lý làm người,
không ai nghĩ rằng mình sẽ được trả ơn sau này. Về mối quan hệ xóm giềng, bản
làng các già bản thường dùng những câu tục ngữ để khuyên răn con cháu như: “gỗ
một cây rào dậu không kín”, lúc thiếu thốn thì “con cá nhỏ bằng ngón tay út
cũng chia đôi”, gặp khó khăn trở ngại thì “nặng giúp nhau gánh, dai giúp nhau
kéo”. Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng là tập quán tốt đẹp của người
Lào được duy trì qua nhiều thế hệ. Nhưng sau này có nơi đã bị bọn phong kiến,
quan lại lợi dụng để bóc lột những người nông dân lao động cần cù chất phác,
phá hoại sự chân tình, vô tư trong sáng một truyền thống tốt đẹp của bản mường.
Ngày nay, tập quán tốt đẹp trên được kế thừa và phát huy để phát triển sản
xuất, xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ bản làng.
Với tập quán đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn
nhau khi có tai biến, lúc mừng vui không có nghĩa là trong các bản mường không
có những mâu thuẩn, va chạm, tranh chấp với nhau trong cuộc sống, nhất là khi
sản xuất chưa phát triển, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Nhưng từ thưở xa
xưa, người Lào vốn yêu chuộng cuộc sống hiền hòa, êm ái. Và đây cũng là một
trong những bản sắc của dân tộc Lào. Đứng trước mâu thuẫn, xích mích, người Lào
thường có sự kiềm chế rất lớn, với quan niệm “chín lần nhịn sẽ được thỏi vàng”.
Hơn thế nữa, người Lào còn rất kỵ cách xử thế “ăn cho thỏa đói, nói cho thỏa
giận”. Do đó mà trong các bản mường, kể cả đô thị, nơi tập trung như chợ búa,
bến tàu, bến xe thường rất ít xảy ra cãi cọ, chửi bới, xô xát lẫn nhau. Mọi sự
tranh chấp đều được hòa giải một cách êm thấm có lý có tình thông qua các già
bản, trong đó không thể không kể đến sự nhân nhượng, phục thiện của mỗi bên.
Cãi nhau, chửi nhau đối với người Lào là điều xa lạ, còn đánh nhau là một tội
lỗi.
Mến khách, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp
hoạn nạn, sa cơ lỡ vận gặp cảnh ngộ éo le cũng trở thành một tập quán của người
Lào. Khách nhỡ độ đường ghé quan bản thường được mời ngủ lại cùng ăn uống với
gia đình. Nếu ngại làm phiền gia đình thì có thể ra ở “xả-la” một loại nhà từ
thiện của bản. Ở đây có đủ xoong, nồi, mắm muối, gạo nước để khách tự nấu ăn.
Nếu khách là người quen biết, dù không thân thiết nhưng lâu ngày mới có dịp gặp
lại thì được gia chủ đón tiếp nhiệt tình và cởi mở. Còn là khách thân thiết,
ngoài bữa cơm rượu thân mật, chủ nhà còn làm lễ “cầu may” cho khách. Để tăng
thêm không khí trang trọng, chủ nhà có thể gọi các con ra chắp tay trước ngực
lễ phép chào hỏi khách. Trước thái độ chân tình, cởi mở của chủ nhà làm cho
khách được tự nhiên thoải mái ăn uống, trò chuyện. Nhưng dù gia chủ có ân cần
cởi mở đến đâu, khách cũng không được suồng sã, mà cần ý tứ theo đúng tập quán
truyền thống để khỏi phật ý gia chủ. Người Lào rất kỵ sờ đầu và rất chú ý giữ
gìn, đặc biệt là nam giới. Họ thường tránh chui qua gầm nhà, dây phơi quần áo
hoặc các vật ô uế khác. Bởi vậy, khách tuyệt đối không được đụng chạm vào đầu
người khác hoặc xoa đầu trẻ em. Trong phòng chật hẹp khi đi lại tránh không để
đụng hoặc bước qua chân người khác. Khi đi qua trước mặt các cụ già phải xin
lỗi và cúi thấp người xuống một chút. Trong bữa ăn, khi gắp thức ăn tránh để
chạm tay người khác.
Về chào hỏi, những người cùng trang lứa gặp
nhau thường chào “sạ-bai-đi” (chào mạnh khỏe) đồng thời hai tay chắp trước
ngực, đầu hơi cúi xuống. Đối với sư sãi, ông bà, cha chú, thầy cô giáo, hoặc
những người cao niên đáng kính khác khi chào hỏi, nam cũng như nữ thường chắp
hai tay ngang trán. Ngày nay, tại các đô thị, trong công sở, để hòa nhập với xu
thế của thời đại các giới chức gặp nhau thường bắt tay. Nhưng giữa viên chức
người Lào với nhau trước khi bắt tay họ vẫn chắp tay chào theo truyền thống.
Người quen hay lạ bị lỡ đường khi đi qua
nương rẫy có thể ghé vào nhà nghỉ ngơi ở các chòi canh dù vắng chủ. Trên chòi
thường có sẵn gạo, mắm muối, nồi chảo, khách có thể nấu ăn. Trên rẫy nếu có rau
quả như bầu bí, ngô, sắn, khách có thể đào, hái về nấu ăn. Nhưng sau đó, bằng
mọi cách khách báo cho chủ biết việc ăn ở của mình gọi là “khóp”. Được tin, chủ
nương rẫy chẳng những không phật ý mà còn tỏ ra vui vẻ vì tự nhiên đã làm được
một việc thiện. Điều tối kỵ đối với người Lào là sau khi đã ở lại trên chòi, đã
đào hái rau quả, xong cố tình xóa các dấu vết. Trong trường hợp này, người Lào
thường có tập quán làm dấu thật rõ để chủ nhân nhận biết ngay, gọi là “mải
khóp”. Khi đi qua các khu rừng, dù cách xa bản năm mười cây số, gặp tổ ong mật
trên cây, những bụi sa nhân rừng…nhưng đã được đánh dấu (có vết chặt chéo nhau,
gai những cành lá đã khô…) thì coi như đã có chủ, không được đụng chạm đến. Đây
cũng là một quy ước của bản làng. Nếu ai đó vì lòng tham cứ tùy tiện lấy thì
coi như ăn cắp. Nếu biết chính xác người lấy thì người nhận trước có thể kiện
với già bản và đòi bồi thường.
Sống trung thực, thật thà,
không tham lam lấy của người khác là một tập quán hết sức tốt đẹp của người Lào
vốn có từ xa xưa đến tận ngày nay vẫn được kế tục và phát huy. Trước đây ở các
bản làng, theo thường lệ, thiếu thốn thì cho nhau hoặc cho vay mượn, đến khi có
thì trả, không phải trả lãi. Họ thường vay mượn lúa gạo vào những tháng giáp
hạt hoặc mùa màng thất bát do thú rừng phá hoại. Được hộ cho vay thỏa thuận,
người đi vay mang thúng mủng của mình đến nơi để lúa tự đong đếm. Đến khi trả,
sau khi báo cho chủ biết, người vay tự mang lúa đến đổ vào bồ, không cần sự
chứng kiến của gia chủ. Người cho vay cũng như người đi vay mượn hoàn toàn tin
tưởng nhau, không hề nghĩ đến hơn thiệt, vay đầy trả vơi. Họ quan niệm rằng
những ý nghĩ, việc làm như vậy là một tội lỗi. Để đề phòng những tai biến bất
ngờ, người Lào thường phân tán lúa gạo. Sau khi thu hoạch hộ nào cũng dựng một
chòi nhỏ gọi là “làu-khạu” để cất giữ lúa, ngô ở ngay bên ruộng, rẫy cách xa
bản dăm ba cây số nhưng không mấy khi bị mất mát. Ở Nam Lào các gia đình nuôi
trâu bò thả rông từng đàn năm ba chục con gần như quanh năm trong rừng nhưng
vẫn không mất trừ trường hợp bị thú dữ bắt.