Có bao giờ bạn cảm thấy một ngày 24 giờ là không đủ để có thể hoàn thành hết kế hoạch đã đặt ra không? Hay có những lúc, khi cuộc sống hối hả, đôi khi lại khiến cho bản thân cảm thấy mệt mỏi, không thể cân bằng được. Thậm chí, nhiều người còn không xác định đâu mới là đích đến mà mình đang theo đuổi.
Chính vì thế, một câu hỏi thường được đặt ra đó là làm thế nào để cân bằng và làm chủ cuộc đời mình? Có lẽ, bạn cũng đã từng nghe nói đến bánh xe cuộc đời. Đây chính là giải pháp được nhiều người áp dụng để giải tỏa căng thẳng, tìm ra lối thoát và hướng đi mới cho bản thân. Vậy thì bánh xe cuộc đời là gì? Cách tạo và vận dụng bánh xe cuộc đời như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- BÁNH XE CUỘC ĐỜI LÀ GÌ?
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÁNH XE CUỘC ĐỜI
- 8 KHÍA CẠNH QUAN TRỌNG CỦA BÁNH XE CUỘC ĐỜI
- CÁCH TẠO BÁNH XE CUỘC ĐỜI CHI TIẾT, CỰC DỄ DÀNG
- Bước 1: Lựa chọn các khía cạnh quan trọng với bạn
- Bước 2: Đánh giá từng khía cạnh của bánh xe cuộc đời
- Bước 3: Hình dung cuộc sống mà bạn mong ước
- Bước 4: Tiến hành vẽ bánh xe cuộc đời
- Bước 5: Thiết lập mục tiêu theo bánh xe cuộc đời
- Bước 6. Lên kế hoạch để đạt được mục tiêu vừa thiết lập
- Bước 7: Vẽ lại định kỳ bánh xe để đánh giá và xác định mức độ hoàn thiện
- ÁP DỤNG BÁNH XE CUỘC ĐỜI VÀO THỰC TẾ CUỘC SỐNG NHƯ THẾ NÀO?
Bánh xe cuộc đời là gì?
Một thực trạng mà có lẽ bạn cũng nhận thấy trong xã hội hiện nay đó chính là rất nhiều người lao vào kiếm tiền, thăng tiến trong sự nghiệp mà quên đi sức khỏe của bản thân. Hay cha mẹ tập trung vào công việc mà quên mất cần phải dành thời gian chăm sóc con cái, dẫn đến rạn nứt mối quan hệ. Lãnh đạo, người quản lý chỉ quan tâm đến việc tối đa hóa lợi nhuận mà quên mất đi việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp,.... Tất cả những minh chứng này chính là biểu hiện của bánh xe cuộc đời đang “lăn xuống”. Vậy thì bánh xe cuộc đời là gì?
Bánh xe cuộc đời tiếng Anh có nghĩa là wheel of life, đây là một công cụ được dùng để mỗi cá nhân có thể tự mình đánh giá, khám phá bản thân trên nhiều khía cạnh và các vấn đề của cuộc sống. Các nhà tâm lý học thường áp dụng phương pháp này để tìm hiểu tổng quát về bản thân, tình trạng của mỗi người. Nhờ đó giúp họ có thể biết thêm các thông tin để điều chỉnh tâm lý sao cho phù hợp, nhanh chóng giúp cho các giá trị trong cuộc sống trở nên cân bằng hơn.
Một bánh xe cuộc đời sẽ bao gồm từ 6 - 8 phần, trong đó có các phần quan trọng và cần được đánh giá đó là sức khỏe, sự nghiệp, tài chính, gia đình, các mối quan hệ, cảm xúc, phát triển bản thân, giải trí. Mỗi lát cắt trên bánh xe sẽ tượng trưng cho một yếu tố và mang đến những giá trị khác nhau để tạo nên hạnh phúc theo nhu cầu của mỗi người.
Khi sử dụng phương pháp này, bạn sẽ chấm theo thang điểm từ 1 - 10 cho các khía cạnh. Thông qua đó thể hiện được mức độ hài lòng của bản thân bạn về các khía cạnh trong cuộc sống. Bằng cách này, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan nhất về cuộc sống hiện tại của mình.
Tầm quan trọng của bánh xe cuộc đời
Bánh xe cuộc đời được xây dựng dựa trên cơ sở chung, là các vấn đề mà mỗi một cá nhân đều đang phải đối mặt. Vậy nên, khi áp dụng phương pháp này, bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của nó là rất lớn trong cuộc sống hiện tại đối với mỗi người, cụ thể đó là:
- Thông qua bánh xe cuộc đời, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về cuộc sống hiện tại của mình. Nhờ vậy, bạn sẽ biết được điều gì bản thân đã làm tốt, điều gì làm chưa tốt hay những vấn đề đang thường xuyên gặp phải.
- Bánh xe cuộc đời được hình thành dựa trên những yếu tố thứ yếu của mỗi người nên sẽ giúp bạn xác định được đâu là điều quan trọng nhất để có thể tập trung hoàn thành thật tốt. Đồng thời, cũng là tránh để bản thân bị xao nhãng, cuốn theo công việc hay guồng quay của nhiều vấn đề khác.
- Bánh xe cuộc đời sẽ giúp bạn điều chỉnh, cân bằng lại cuộc sống, từ đó thoát ra khỏi lối mòn, phát triển bản thân một cách toàn diện. Bạn sẽ nhận ra được những lát cắt mà mình làm chưa tốt, từ đó đưa ra phương án cải thiện, phân chia và quản lý thời gian hiệu quả nhằm hoàn thành những gì đã đề ra.
8 khía cạnh quan trọng của bánh xe cuộc đời
Tùy thuộc vào mỗi người mà họ có thể chia bánh xe cuộc đời thành 5 phần, 6 phần, 7 phần,.... Tuy nhiên, trong phần này chúng tôi sẽ nói về 8 phần quan trọng với 8 khía cạnh bánh xe cuộc đời, đó là:
1. Sức khỏe
Ralph Waldo Emerson đã từng nói: “Tài sản đầu tiên là sức khỏe”. Thật vậy, chúng ta sẽ không thể làm được gì hoàn hảo nếu như không có sức khỏe. Hay khi mình đã cố gắng, nỗ lực trong thời gian dài, cho đến khi đơm hoa, kết trái thì lại không có đủ sức khỏe để hưởng thụ thành quả thì sẽ thật vô nghĩa đúng không?
Hãy nhìn nhận lại xem sức khoẻ hiện tại của bạn đang như thế nào? Bạn có xây dựng cho mình chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, đi khám sức khỏe định kỳ không? Hay bạn lại đang chủ quan, để rồi khi còn trẻ thì bán sức khỏe để kiếm tiền, rồi về già lại dùng chính số tiền đó mua sức khỏe.
2. Phát triển bản thân
Yếu tố thứ hai trong bánh xe cuộc đời đó chính là khả năng phát triển bản thân. Xã hội này luôn không ngừng vận động và phát triển. Chỉ cần dậm chân tại chỗ một khoảnh khắc nào đó thôi, chắc chắn bạn sẽ bị tụt lùi, bị nhiều người bỏ lại phía xa.
Hiện nay, có nhiều trường học tại Việt Nam chỉ tập trung vào việc truyền tải kiến thức. Vậy nên, sinh viên khi ra trường thường dễ trở nên mất phương hướng, thiếu kỹ năng mềm trầm trọng, không có hoài bão, ước mơ và bị đánh giá thấp về khả năng trải nghiệm thực tế.
Để không gặp phải điều này, bạn cần phải thay đổi bản thân ngay từ hôm nay, liên tục phát triển mình giống như một quá trình liên tục và mãi mãi. Đừng chỉ tiếp thu kiến thức một cách thụ động trên trường mà hãy chủ động tìm thêm bằng việc siêng đọc sách báo, tham gia các khóa đào tạo, tìm cho mình những người thầy giỏi hay tiện lợi hơn đó là học nhiều thứ mới lạ khác trên Google. Có rất nhiều cách khác nhau để bản thân của mình không ngừng tiến bộ hơn. Bằng việc mỗi ngày kiên trì một chút, chỉ sau một thời gian bạn sẽ thấy được sự thay đổi lớn ở bản thân.
3. Các mối quan hệ
Người ta hay nói, cuộc đời mỗi người có 5 sự lựa chọn đó là: chọn bạn để chơi, chọn thầy để học, chọn việc để làm, chọn vợ / chồng để lấy, chọn lẽ để sống. Chính vì thế, hãy biết chọn lọc, giữ gìn và phát huy những mối quan hệ cần thiết, không nên lãng phí thời gian cho những mối quan hệ chỉ mang tính xã giao.
Việc lựa chọn chơi với ai cũng một phần sẽ ảnh hưởng lên con người của bạn. Vậy nên, đừng quá thân thiết với những con người tiêu cực, thay vào đó hãy tìm cho mình những người bạn tích cực để cùng nhau chia sẻ điều hay ho trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, bạn hãy tìm cho mình những người thầy giỏi để học hỏi. Nếu bạn thiếu kỹ năng thuyết trình, hãy tìm cho mình người hướng dẫn luôn mang một dáng vẻ tự tin khi nói chuyện trước đám đông. Hay nếu thiếu kỹ năng lãnh đạo, hãy tìm một vị sếp giỏi, biết sắp xếp công việc, lãnh đạo nhân viên, đạo đức tốt,.... Học hỏi từ những người xung quanh chính là cách để bạn có thể phát triển, giúp cho bản thân của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên phát triển các mối quan hệ với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng,.... Bởi vì biết đâu trong tương lai, họ sẽ giúp đỡ và mang đến cho bạn thêm nhiều cơ hội mới. Đồng thời, hãy luôn nâng niu và trân trọng gia đình. bởi vì dù cho ngoài kia cuộc đời có vùi dập ta như thế nào thì khi trở về nhà, bạn cũng đều sẽ cảm nhận được sự bình yên.
Cuối cùng, cuộc sống của bạn sẽ càng trở nên có ý nghĩa nếu như được sống trong sự yêu thương và quan tâm của những người xung quanh. Bạn hãy xây dựng các mối quan hệ dựa trên lòng thành của bản thân, giống như Howard Schultz đã từng nói: “Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim”.
4. Tài chính
Bill Gates - người sáng lập ra một trong những công ty lớn nhất thế giới là Microsoft đã từng nói: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn”. Tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng nếu như không có tiền thì con người ta cũng khó để có được hạnh phúc.
Đây là một sự thật trong xã hội ngày nay, khi giá trị của đồng tiền mang một sức mạnh chi phối đến cuộc sống của nhiều người. Chính vì thế, điều bạn cần làm ngay lúc này đó là lên một kế hoạch tài chính thông minh và hợp lý. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng hãy để đồng tiền phục vụ tốt cho những nhu cầu của bản thân, đừng để mình chạy theo đồng tiền rồi làm mất đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
5. Sự nghiệp
Sự nghiệp của mỗi người thường được đo bằng danh tiếng và tài chính. Vậy nên, nếu như bạn muốn thành công trong sự nghiệp thì hãy kiếm tiền một cách thật tử tế. Có một câu nói rất nổi tiếng của Tony Gaskins mà có lẽ ai cũng đã từng nghe qua, đó là: “Nếu bạn không xây giấc mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn để giúp xây giấc mơ của họ”.
Vậy thì, tại sao bạn lại không tự mình làm chủ cuộc đời của mình? Ví dụ như theo đuổi ước mơ khởi nghiệp, trở thành một doanh nhân nổi tiếng, phát triển đam mê của bản thân. Hãy tin rằng điều mà bạn sẽ tạo ra lại mang đến những thay đổi tích cực cho thế giới. Chỉ khi bạn chấp nhận dấn thân, vượt qua rào cản thì mới tạo ra được sự bứt phá ngoạn mục cho cuộc đời. Biết đâu sau này, bạn sẽ góp mặt vào danh sách những người giàu nhất thế giới thì sao.
6. Giải trí
Bạn không nên tạo cho mình một cuộc sống tẻ nhạt, sáng ngủ dậy, lên công ty làm việc 8 tiếng, rồi lại đi về nhà nằm lướt facebook, xem phim, rồi lại đi ngủ. Đừng để vòng tuần hoàn này lặp đi lặp lại mỗi ngày, khiến cho bản thân mình ngày càng mất đi năng lượng, đôi khi còn không biết liệu rằng mình đang thật sự theo đuổi điều gì trong cuộc sống.
Thay vào đó, đôi khi hãy cho mình những khoảng thời gian được phép xả stress, làm điều mình thích như đi du lịch, khám phá thế giới, ăn uống, chơi thể thao,.... Chẳng phải rằng, chúng ta làm mọi thứ với mong muốn sẽ có được niềm hạnh phúc hay sao? Vậy thì tạo sao khi còn trẻ lại cứ mãi lao đầu vào công việc mà quên đi việc mang đến niềm vui cho bản thân mỗi ngày?
Khi có càng nhiều sở thích, bạn sẽ thấy rằng cuộc sống của mình rất thú vị. Đến khi điều đó trở thành đam mê sẽ làm cho bạn muốn sống vì đó, tạo hành động mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết. Vậy nên, mỗi người chỉ có một cuộc đời, hãy sống cho đáng giá, đừng để sau này phải hối hận.
7. Chia sẻ
Không chỉ tạo ra những giá trị cho bản thân mà bên cạnh đó, bạn cũng có thể lan tỏa điều tốt đẹp cho xã hội thông qua các hoạt động cộng đồng như: làm từ thiện, thành lập quỹ học bổng, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có ích cho xã hội, giúp đỡ mọi người,....
Giống như câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Sống là để cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Khi mang đến niềm vui cho mọi người, ngay cả bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy ấm áp hơn. Đây giống như một nhu cầu tự nhiên mà chẳng cần đến mục đích hay động cơ gì.
8. Tâm linh
Chắc hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng đời sống tinh thần hay đời sống vật chất quan trọng hơn? Thực ra thì suy cho cùng mọi vật chất mà chúng ta cố gắng tạo ra cũng đều là thỏa mãn tinh thần. Trong đó, đời sống tinh thần sẽ bao gồm: tư duy, tri giác, trí nhớ, ý muốn, trí tưởng tượng, cảm xúc,…. Không có lý do gì để chúng ta phải phí hoài thời gian để sống trong sự bi quan, buồn rầu hay chán ghét. Thay vào đó, hãy quý trọng từng giây từng phút của cuộc đời và luôn tận hưởng những điều đó một cách tối đa.
Trong Đạo phật có một bài thơ rất hay để nói về điều này đó là: “Sống không giận không hờn không oán trách, sống mỉm cười với thử thách chông gai, sống vươn lên cho kịp ánh ban mai, sống chan hòa với những người chung sống”.
Cách tạo bánh xe cuộc đời chi tiết, cực dễ dàng
Có thể thấy rằng, bánh xe cuộc đời có tác dụng rất lớn trong việc cân bằng những giá trị trong cuộc sống. Vậy thì, làm sao để mỗi chúng ta đều tạo được bánh xe cuộc đời cho riêng mình? Bạn có thể thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Lựa chọn các khía cạnh quan trọng với bạn
Trước tiên, bạn cần phải lựa chọn 6 - 8 khía cạnh quan trọng trong cuộc sống được xem là quan trọng đối với bản thân. Thông thường, các khía cạnh này sẽ còn tùy thuộc vào mỗi người, có thể bao gồm: gia đình, sự nghiệp, tình yêu, tài chính, giải trí,.... Mỗi người sẽ có những điều khác nhau mà mình quan tâm, vậy nên bạn hãy đưa ra các yếu tố dựa trên suy nghĩa của chính bản thân mình.
Bước 2: Đánh giá từng khía cạnh của bánh xe cuộc đời
Sau khi đã chọn ra được các yếu tố quan trọng với mình, bạn hãy tiến hành chấm điểm bánh xe cuộc đời theo thang điểm từ 1 - 10. Trong đó, 1 sẽ là không thỏa mãn và 10 sẽ là hoàn toàn thỏa mãn. Đây là một trong những bước vô cùng quan trọng và đòi hỏi bạn cần phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và công tâm nhất.
Để giúp cho bước đánh giá được thực hiện một cách chính xác hơn, bạn có thể ghi ra những điều mà mình đã hài lòng, những vấn đề còn chưa thỏa mãn. Sau đó, hãy lựa chọn thang điểm phù hợp dựa trên mức độ thỏa mãn của mình. Bạn cũng đừng lo lắng liệu rằng con số này có phản ánh chính xác hay không. Bởi vì sẽ không có đúng sai gì ở đây hết, điều bạn cần làm đó chính là nghe theo cảm nhận của con tim. Để chắc chắn hơn thì sau khi chấm điểm xong, bạn có thể thư giãn, đi dạo hóng gió và sau đó xem xét lại một lần nữa.
Bước 3: Hình dung cuộc sống mà bạn mong ước
Thông qua bước này, bạn sẽ biết được mình đang thật sự mong muốn và thích gì trong cuộc sống. Để vẽ ra được bức tranh cho bản thân trong tương lai, bạn cần phải trả lời một vài câu hỏi dưới đây:
Sức khỏe:
- Tại sao sức khỏe lại quan trọng đối với bạn?
- Hiện tại bạn cảm thấy trong người mình như thế nào?
- Mức năng lượng của bạn hiện tại ra sao?
- Bạn muốn cơ thể của mình trông như thế nào?
Sự nghiệp:
- Vì sao sự nghiệp lại quan trọng đối với bạn?
- Bạn muốn được làm trong lĩnh vực gì?
- Công việc của bạn sẽ như thế nào?
- Bạn muốn đạt được thành tựu gì trong tương lai?
Tài chính:
- Vì sao tài chính lại quan trọng đối với bạn?
- Bạn mong muốn mức thu nhập của mình là bao nhiêu?
- Tài sản bạn muốn sở hữu là gì?
- Bạn muốn ngôi nhà của mình như thế nào?
Mối quan hệ:
- Vì sao mối quan hệ lại quan trọng đối với bạn?
- Hiện tại quan hệ tình yêu, hôn nhân của bạn như thế nào?
- Gia đình của bạn như thế nào?
- Mối quan hệ bạn bè của bạn như thế nào?
Phát triển:
- Vì sao phát triển bản thân lại quan trọng đối với bạn?
- Bạn muốn học hỏi thêm điều gì, kỹ năng nào mỗi ngày?
- Mức độ nhận thức của bạn như thế nào?
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều câu hỏi khác mà bạn nên tự mình đặt ra cho bản thân có liên quan đến các yếu tố mà bạn nghĩ rằng sẽ nằm trong 8 bánh xe cuộc đời. Khi câu hỏi càng chi tiết, cụ thể thì dần dần, bánh xe cuộc đời của bạn càng được hoàn thiện một cách hoàn hảo nhất.
Bước 4: Tiến hành vẽ bánh xe cuộc đời
Sau khi trả lời các câu hỏi trên, bạn có thể dùng hình ảnh để vẽ bánh xe cuộc đời trên canva hoặc powerpoint, miêu tả về bức tranh cuộc sống trong tương lai mà bạn muốn hướng tới một cách cụ thể và chân thật. Bằng cách này, bạn sẽ xác định được rằng mình đang ở đâu? Khoảng cách hiện tại của bản thân với bánh xe cuộc đời? Đâu là khía cạnh mình cần phải có sự cân bằng và cải thiện? Khi xác định được những điều mình cần chú ý, đã đến lúc bạn cần lên kế hoạch cho các hành động để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Bước 5: Thiết lập mục tiêu theo bánh xe cuộc đời
Trong các yếu tố của bánh xe cuộc đời, bạn hãy chọn lọc ra những tiêu chí cần thiết và quan trọng nhất. Sau đó dựa trên cuộc sống mơ ước mà mình đã hình dung để thiết lập mục tiêu một cách thật cụ thể, rõ ràng để đạt được sự cân bằng mà bạn mong muốn.
Bước 6. Lên kế hoạch để đạt được mục tiêu vừa thiết lập
Sau khi xác định mục tiêu, bước tiếp theo để hiện thực hóa bánh xe cuộc đời chính là xây dựng kế hoạch chi tiết. Các giải pháp bạn đưa ra cần phải cụ thể, cân đối với cuộc sống hiện tại, phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế làm sao nhãng, ảnh hưởng đến mục tiêu. Đồng thời, hãy đưa ra cam kết sẽ nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch này để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Bước 7: Vẽ lại định kỳ bánh xe để đánh giá và xác định mức độ hoàn thiện
Bánh xe cuộc đời sẽ có sự thay đổi theo thời gian, vậy nên bạn hãy vẽ lại định kỳ, có thể là mỗi tháng để xem xét lại tiến độ của sự thay đổi đã phù hợp hay chưa và có đang đi theo những gì đã đề ra trước đó hay không. Từ đó, thực hiện các điều chỉnh sao cho phù hợp để mục tiêu ban đầu với cuộc sống thực tại được cân bằng với nhau.
Áp dụng bánh xe cuộc đời vào thực tế cuộc sống như thế nào?
Nếu như bánh xe cuộc đời tập trung vào việc nâng cao sức khỏe thì bạn sẽ có được nguồn năng lượng dồi dào, thái sộ trở nên tích cực, lạc quan hơn. Điều này cũng đồng thời sẽ giúp cho mối quan hệ giữa bạn với những người xung quanh đạt được những bước tiến triển tốt, sự nghiệp phát triển hay hơn thế nữa là còn giúp bạn có thêm nguồn năng lượng để làm việc.
Nếu bạn tập trung vào việc phát triển bản thân, kéo theo đó là tất cả các lĩnh vực đều được nâng lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây là chúng ta cần biết cân bằng các lĩnh vực trong một tuần với những hoạt động khác nhau. Còn nếu như chỉ tập trung vào một lĩnh vực mà không quan tâm đến các vấn đề khác thì sẽ rất nguy hiểm vì sẽ khiến cho bánh xe của bạn trở nên xiên vẹo và méo mó.
Trên đây là những chia sẻ để bạn hiểu rõ hơn về bánh xe cuộc đời. Có thể thấy rằng việc thiết lập bánh xe cuộc đời thoạt nhìn thì khá đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì điều đó không hề dễ dàng. Bởi vì bạn cần phải có được sự nhận thức, thấu hiểu bản thân rõ ràng, cùng với đó là sự dũng cảm quan sát và đưa ra đánh giá chân thực về cuộc sống của bản thân. Có như vậy, bạn mới thiết lập bánh xe cuộc đời một cách chính xác và hiệu quả.
(ngồn: Phương Nam 24h)