-->
Hiện đang có dự án: + Tìm kiếm, nghiên cứu tính khả thi tiến tới khai thác Vàng + Đầu tư khai thác đập thủ...
1. Quan hệ chính trị, ngoại giao:
- Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì tốt việc trao đổi đoàn và triển khai các cơ chế hợp tác song phương, nổi bật trong 06 tháng đầu năm 2020 có: tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào (04/01), Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Ya-tho-tu sang thăm Việt Nam trao Huân chương, Huy chương của Đảng, Nhà nước Lào tặng các tập thể và cá nhân của Quốc hội Việt Nam (08-09/01), Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít sang thăm làm việc tại thành phố Đà Nẵng (05-07/7).
- Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên có nhiều sáng kiến tổ chức các hoạt động đối ngoại trực tuyến, bảo đảm triển khai tốt các nội dung hợp tác giữa hai nước.
- Hai nước cùng tích cực phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việt Nam đã hỗ trợ Lào 1,5 triệu USD (cả Trung ương và địa phương), đồng thời cử chuyên gia sang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm.
2. Hợp tác quốc phòng, an ninh:
- Hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước không ngừng tăng cường và được triển khai hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về công tác huấn luyện và đào tạo. Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, an ninh.
- Quan hệ hợp tác giữa các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới giữa hai nước.
- Công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục triển khai tốt. Trong mùa khô 2019-2020, hai bên đã phối hợp tìm kiếm, cất bốc được 181 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh và đã hồi hương được 168 bộ hài cốt.
3. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư:
- Việt Nam tiếp tục là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào (cùng Trung Quốc và Thái Lan), với 413 dự án và tổng vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư hiệu quả, mang lại lợi nhuận, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, đồng thời tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, giúp Lào thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo (Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam – Petrolimex, Tổng công ty dầu Việt Nam – Pvoil, Ngân hàng Vietinbank...). Các dự án hỗ trợ về giáo dục, y tế đang được hai bên phối hợp triển khai đúng theo tiến độ kế hoạch; đặc biệt, Dự án Nhà Quốc hội mới của Lào đang được khẩn trương triển khai, kịp hoàn thành vào cuối năm 2020 như kế hoạch đề ra.
- Do dịch bệnh Covid-19, hợp tác thương mại giữa hai nước phần nào bị ảnh hưởng. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào 06 tháng đầu năm 2020 đạt 491,7 triệu USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Lào đạt 276,85 triệu USD (giảm 20,2%), Việt Nam nhập khẩu từ Lào đạt 214,85 triệu USD (giảm 6,1%) so với cùng kỳ năm ngoái.
4. Một số lĩnh vực hợp tác khác:
- Về giao thông vận tải: Hai bên đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như tiểu vùng. Hiện hai nước đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển các dự án giao thông quan trọng để kết nối sâu rộng, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại hơn nữa giữa hai nước (dự án đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn, dự án đường sắt Vũng Áng – Viêng Chăn).
- Về giáo dục: Hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 -2020"; Bộ Giáo dục hai nước hiện đang phối hợp xây dựng dự thảo Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030. Năm 2020, Việt Nam dành 1.000 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam, Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là 16.664 người (trong đó, diện thỏa thuận Chính phủ 4.228 người). Trong giai đoạn phòng chống Covid-19, các địa phương của Việt Nam đã tạo điều kiện thuạn lợi và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Lào quay trở lại học tập tại Việt Nam, hiện nay hầu hết sinh viên Lào đã sang và cách ly tại Việt Nam.
- Về văn hóa-du lịch: Hai bên tiếp tục tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân hai nước hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào; đồng thời quảng bá về văn hóa, lịch sử, các địa điểm du lịch của hai nước để thu hút khách du lịch đến tham quan, gia tăng nguồn thu ngân sách mỗi nước. Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch hai nước gặp nhiều khó khăn.
- Về y tế: Hợp tác y tế hai nước tiếp tục phát triển, hai bên đã tổ chức nhiều hội thảo, trao đổi kinh nghiệm nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn. Mặc dù trong nước còn gặp nhiều khó khăn, Việt Nam đã cử đoàn chuyên gia sang chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và kịp thời giúp đỡ Lào phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
5. Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế:
- Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề ở khu vực.
- Bạn tích cực ủng hộ ta đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021 và vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 (hỗ trợ ta và tham dự các Hội nghị trực tuyến ASEAN do ta tổ chức).
- Hai bên thường xuyên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mê Công.
6. Trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước thời gian gần đây:
a. Lãnh đạo cấp cao ta thăm Lào:
- Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (7/2001, 10/2006); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (6/2011, 4/2014, 11/2016, 02/2019).
- Chủ tịch nước Lê Đức Anh (11/1993); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (6/1999); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (02/2007); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (02/2012, 11/2013, 3/2015, 5/2015); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (6/2016).
- Thủ tướng Võ Văn Kiệt (8/1997); Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (12/2006, 9/2011, 11/2012, 3/2013, 11/2014, 9/2015); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (9/2016, 4/2017, 02/2018).
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (10/2002); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (4/2007); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (7/2012, 10/2012); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (9/2016, 11/2017, 9/2019).
b. Lãnh đạo cấp cao Lào thăm Việt Nam:
- Chủ tịch nước Nu-hắc Phum-xa-vẳn (8/1994); Chủ tịch Khăm tày Xi phăn đon (01/1999, 5/2002); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn (6/2006, 8/2011, 12/2012, 10/2013, 8/2014); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bun-nhăng Vo-la-chít (4/2016, 12/2017, 7/2018, 10/2019).
- Thủ tướng Xi-xa-vat Keo-bun-phăn (7/1998); Thủ tướng Bun-nhăng Vo-la-chit (7/2001; 4/2004); Thủ tướng Bua-xỏn Búp-phả-văn (8/2006); Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông (3/2011, 02/2012, 7/2013, 3/2014, 4/2014, 7/2015, 03/2016); Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lít (5/2016, 2/2017, 10/2017, 3/2018, 10/2019, 01 và 07/2020).
- Chủ tịch Quốc hội Xa-mản Vi-nha-kệt (6/2003; 01/2006); Chủ tịch Quốc hội Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông (11/2006), Chủ tịch Quốc hội Pa-ny Ya-tho-tu (8/2011, 4/2012, 3/2015, 01/2016, 3/2017, 3/2017, 7/2017, 8/2017, 01/2019, 01/2020).
7. Một số văn kiện chính đã ký kết và còn hiệu lực:
- Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Việt Nam (7/1977);
- Hiệp ước hoạch định biên giới (7/1977);
- Hiệp định Lãnh sự (11/1985);
- Hiệp định về Kiều dân (01/4/1993);
- Hiệp định quá cảnh hàng hóa (03/2009);
- Hiệp định Hợp tác lao động (7/2013);
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (01/1996);
- Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (01/1996);
- Hiệp định Vận tải đường bộ (02/1996);
- Hiệp định về trao đổi nhà trụ sở và nhà ở của cơ quan đại diện (4/1996);
- Hiệp định tương trợ tư pháp (7/1998);
- Hiệp định hợp tác chống ma túy (7/1998);
- Hiệp định hợp tác về năng lượng-điện (7/1998);
- Thoả thuận về cơ chế tài chính và quản lý dự án sử dụng viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào (01/2002);
- Hiệp định Tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào (4/2009);
- Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHDCND Lào về khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (12/2012);
- Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú tại khu vực biên giới hai nước Việt Nam-Lào (08/7/2013);
- Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào (3/2015);
- Hiệp định Thương mại biên giới (6/2015);
- Bản Ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (9/2015);
- Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào (3/2016);
- Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào (3/2016);
- Bản Ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện đến năm 2030 và mua bán điện giữa hai nước (10/2016);
- Hiệp định về hợp tác đầu tư phát triển Bến cảng 1, 2 và 3 Cảng Vũng Áng (02/2018);
- Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2020 (01/2020)./.
(nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Lào - https://vnembassy-vientiane.mofa.gov.vn)