-->
Hiện đang có dự án: + Tìm kiếm, nghiên cứu tính khả thi tiến tới khai thác Vàng + Đầu tư khai thác đập thủ...
Trong tính toán chiến lược của Mỹ, đường 9 - Nam Lào là nơi tập trung nhiều kho dự trữ chiến lược, “cuống họng” của tuyến đường Hồ Chí Minh - huyết mạch đặc biệt quan trọng nuôi sống cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam - Việt Nam và cách mạng Lào, Campuchia.
Nhằm
tăng cường bình định nông thôn, triệt phá tuyến hành lang vận chuyển chiến lược
Bắc - Nam, uy hiếp miền Bắc, cô lập miền Nam, mở rộng tiến công ra vòng ngoài
đánh chiếm chiến trường Đông Dương, làm suy yếu sức mạnh Liên quân chiến đấu
giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ hiện
thực hóa Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Đông Dương hóa chiến tranh,
tháng 11/1970, Tổng thống Nixon thông qua kế hoạch ba cuộc hành quân quy mô lớn
trên ba vùng chiến lược: Cuộc hành quân Lam Sơn 719 từ Trị - Thiên đánh sang
khu vực đường 9 - Nam Lào, cuộc hành quân Toàn thắng 1/71 đánh sang Đông Bắc
Campuchia và cuộc hành quân Quang Trung 4 đánh ra vùng ngã ba biên giới ở Bắc
Tây Nguyên. Trong đó, cuộc hành quân 719 đánh sang khu vực đường 9 - Nam Lào là
cuộc hành quân đầu tiên với mưu đồ, quy mô, mục đích lớn nhất của Mỹ và quân
đội Sài Gòn.
Trong
tính toán chiến lược của Mỹ, đường 9 - Nam Lào là nơi tập trung nhiều kho dự
trữ chiến lược, “cuống họng” của tuyến đường Hồ Chí Minh - huyết mạch đặc biệt
quan trọng nuôi sống cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam - Việt Nam và cách
mạng Lào, Campuchia. Đánh đường 9 - Nam Lào sẽ cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải
chiến lược tiếp tế từ miền Bắc qua đường Hồ Chí Minh, cảng Công pông Xom
(Campuchia), cắt đôi Đông Dương; phá hủy toàn bộ hệ thống cơ sở hậu cần chiến
lược ở khu vực này, làm cho bộ đội chủ lực miền Nam không đủ khả năng đánh lớn
trong mùa khô 1971 - 1972. Đồng thời, thông qua cuộc hành quân, kiểm nghiệm,
rèn luyện sức mạnh quân đội Sài Gòn nhằm thay thế quân Mỹ ở chiến trường Đông
Dương; kiểm nghiệm kết quả của Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sau hơn 02
năm triển khai thực hiện. Mặt khác, đường 9 - Nam Lào, nhất là khu vực từ Cửa
Việt tới Khe Sanh quân Mỹ và quân Sài Gòn đã có sẵn nhiều căn cứ hỏa lực, hậu
cần, sân bay; địa hình tiện phát huy sức mạnh binh khí, kỹ thuật, hiệp đồng tác
chiến; hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện cho cơ động lực lượng, phương
tiện chiến tranh. Đặc biệt, dựa vào hệ thống phòng ngự đường 9 - Bắc Quảng Trị
địch làm bàn đạp tiến công sang Lào, ra Nam Khu 4 và đối phó với tiến công,
phản công của đối phương. Theo đó, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ và Sài Gòn huy động
lực lượng lớn các đơn vị thiện chiến thuộc lực lượng dự bị chiến lược và lực
lượng cơ động thuộc Vùng 1 chiến thuật phối hợp với quân phái hữu Lào1 tổ chức
tiến công thành hai hướng từ Trị - Thiên đánh ra đường 9, phát triển sang Nam
Lào và từ hướng Tây (Sê Nô, Đồng Hến - Lào) đánh ra khu vực Sê Săng Soi, Sê Ta
Mộc, dự kiến sẽ hội quân “ca khúc khải hoàn” ở Pha Lan, Mường Phìn.
Về phía ta, ngay từ giữa năm 1970, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã lường tính khả năng địch có thể mở cuộc tiến công quy mô lớn trong mùa khô 1970 - 1971 ra các vùng Trung, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu chủ động chuẩn bị kế hoạch tác chiến, thiết bị chiến trường, lực lượng, bảo đảm,… sẵn sàng đối phó với tình huống này. Thực tiễn diễn ra đúng như dự đoán của ta, để đánh bại ý đồ tiến công đường 9 - Nam Lào của địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào, nhằm tiêu diệt lớn lực lượng, phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ an toàn tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam, các mục tiêu, cơ sở hậu cần chiến lược của ta ở khu vực đường 9, làm phá sản Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Đông Dương hóa chiến tranh của địch.
Chiến dịch diễn ra từ 08/02 - 23/3/1971 với
liên tục các đòn phản công, tiến công quyết liệt, quân, dân Mặt trận đường 9 -
Nam Lào đã giáng cho quân đội Sài Gòn - xương sống của Việt Nam hóa chiến tranh
một đòn chí mạng. Thắng lợi của Chiến dịch có ý nghĩa chiến lược quan trọng cả
về quân sự và chính trị, không chỉ giữ vững sự chi viện của hậu phương chiến
lược miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam, mà còn đánh bại cuộc hành quân
xâm lược Lào, Campuchia của “quân chủ lực ngụy có sự yểm trợ của chủ lực Mỹ,
đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của quân ngụy trong Chiến lược “Việt Nam hóa
chiến tranh”, đánh dấu bước thất bại nghiêm trọng của chiến lược này. Chiến
thắng đường 9 - Nam Lào đã chấm dứt quá trình tiến công, phản công đánh ra vòng
ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ - ngụy”2, phá sản công thức
“lục quân ngụy + không quân Mỹ”; đánh dấu bước phát triển cao của nghệ thuật
chiến dịch Việt Nam nói chung, nghệ thuật tác chiến chiến dịch phản công nói
riêng, đặt nền móng cho quân đội ta mở các chiến dịch đánh tập trung hiệp đồng
binh chủng quy mô lớn; đồng thời, “mở ra những triển vọng vô cùng tốt đẹp, đưa
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng”3.
Mặc dù là chiến dịch phản công không kế tiếp
chiến dịch phòng ngự mà chỉ kết hợp với phòng ngự về chiến thuật (chốt chặn),
nhưng do phán đoán, dự kiến được ý định hành quân, tiến công chiến lược của
địch nên ta đã có thời gian, chủ động chuẩn bị trước cả về kế hoạch, phương án
tác chiến bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam, bảo vệ các mục tiêu chiến
lược chủ yếu ở đường 9; chuẩn bị chiến trường, thế trận, chuẩn bị lực lượng, cơ
sở vật chất,… góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch. Chiến dịch để lại
nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó nổi lên một số bài học về xác định tư tưởng,
tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu; sử dụng lực lượng tham gia Chiến dịch;
lập thế trận phản công; công tác bảo đảm hậu cần, v.v. Đây là những vấn đề hết
sức cơ bản chúng ta có thể nghiên cứu, phát triển, vận dụng vào xây dựng khu
vực phòng thủ trong tình hình mới.
Một là, bài học về xây dựng ý chí
quyết tâm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội - vấn đề cốt lõi của
tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm
quan trọng của Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, Bộ Chính trị xác định quyết tâm và
chỉ thị cho Quân ủy Trung ương: “Nhất thiết phải đánh thắng trận này dù có phải
động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những
trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược”4. Chiến thắng trận này,
chúng ta sẽ tiêu diệt được một bộ phận lớn sinh lực tinh nhuệ của quân ngụy Sài
Gòn, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm thất bại cố gắng cao nhất của
địch trong quá trình Việt Nam hóa chiến tranh, tạo nên những chuyển biến căn
bản có tính chất chiến lược cho phong trào cách mạng ba nước Đông Dương cũng
như cách mạng miền Nam. Đồng thời, chúng ta khẳng định cho Mỹ và tay sai biết
rõ sức mạnh và quyết tâm của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, củng cố niềm tin cho
nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới, hỗ trợ tích cực cho phái đoàn ta đấu
tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris. Thực hiện quyết tâm đó, Bộ Tư lệnh Mặt
trận đường 9 (Mặt trận 70) phối hợp với lực lượng Liên quân Việt - Lào ở Nam
Lào tổ chức quán triệt, giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu
dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai
nước cho bộ đội và nhân dân các địa phương trên địa bàn tác chiến của ta và
Bạn. Tập trung quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nắm chắc đặc
điểm, âm mưu, thủ đoạn của địch; quyết tâm, phương án chiến đấu bảo vệ tuyến
vận tải chiến lược, các mục tiêu, kho dự trữ chiến lược trong khu vực; nhiệm vụ
của từng lực lượng, đơn vị, địa phương; kế hoạch hiệp đồng tác chiến,… để các
lực lượng phối hợp chiến đấu.
Trong quá trình tác chiến, Trung ương thường
xuyên kêu gọi cán bộ, chiến sĩ Mặt trận đường 9 “tập trung cao nhất tinh thần
và sức lực dũng mãnh tiến công, liên tục tiến công tiêu diệt thật nhiều lực
lượng tinh nhuệ của địch, quyết bảo vệ con đường Hồ Chí Minh. Xốc tới giành
thắng lợi cao nhất trong chiến dịch quan trọng này”5, “kiên quyết
đập tan bước phiêu lưu quân sự mới của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng
cho chiến dịch X (đường 9 - Nam Lào)”6, góp phần đưa “cuộc kháng
chiến tiến lên mạnh mẽ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, làm tròn nhiệm vụ
quốc tế vẻ vang…”7. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận và
cấp ủy, chỉ huy các cấp vừa lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu, vừa động viên tư
tưởng, củng cố tinh thần, xây dựng khí thế, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội;
chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nâng cao ý chí quyết chiến,
quyết thắng kẻ thù xâm lược. Đồng thời, nắm vững tư tưởng chỉ đạo tác chiến
Chiến dịch, tích cực, chủ động liên tục phản công, tiến công giành thắng lợi
giòn giã ngay từ trận đầu và liên tiếp bẻ gãy cánh quân hướng Bắc, hướng Nam đường
9 và các hướng khác, đưa Chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.
Phát huy bài học kinh nghiệm quý báu đó, cấp
ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đặc biệt là các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả
Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị; Nghị định số
21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ bổ sung, thay thế Nghị định số
152/2007/NĐ-CP, Nghị định số 02/2016/NĐ-CP về xây dựng khu vực phòng thủ.
Thường xuyên tổ chức xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành
và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho hệ thống tổ chức đảng,
chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sức mạnh về chính trị - tinh
thần trong khu vực phòng thủ. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc
phòng và an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân; chú trọng giáo dục hai
nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối quốc phòng toàn dân,
chiến tranh nhân dân, chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ của Đảng, Nhà nước và
âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phân biệt rõ “đối tác”,
đối tượng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Thực hiện tốt chính sách dân
tộc, tôn giáo, chính sách hậu phương quân đội theo quy định pháp luật; giữ vững
ổn định chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường
dân chủ, giữ vững kỷ cương xã hội. Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân ở các
địa phương thuộc khu vực biên giới theo quan điểm, đường lối đối ngoại của
Đảng. Phát triển giáo dục đào tạo, tăng cường công tác thông tin, văn hóa, phát
thanh, truyền hình,… nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực quốc phòng,
an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn sự xâm nhập của
văn hóa độc hại, phòng chống tội phạm xã hội, vi phạm pháp luật,… xây dựng đời
sống văn hóa tinh thần lành mạnh trong khu vực phòng thủ.
Hai là, nghệ thuật tổ chức, sử
dụng lực lượng tham gia Chiến dịch - bài học quý báu về xây dựng lực lượng vũ
trang trong khu vực phòng thủ. Thực hiện chủ trương mở Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào
của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận
đường 9 (Mặt trận 70) và khẩn chương kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan Mặt
trận, hình thành ý định tổ chức, sử dụng lực lượng trên các hướng, điều chỉnh các
lực lượng tham gia Chiến dịch bao gồm: Binh đoàn 70 (Sư đoàn 308, 304, 320), Sư
đoàn 324, Sư đoàn 2, các đơn vị vũ trang Mặt trận B4 (Quân khu Trị - Thiên), B5
(đường 9 - Bắc Quảng Trị), Đoàn 559, 04 trung đoàn pháo binh, 04 trung đoàn
pháo cao xạ, 03 trung đoàn công binh, 03 tiểu đoàn xe tăng và một số tiểu đoàn
đặc công của Bộ. Theo ý định tác chiến Chiến dịch, ta sử dụng lực lượng chủ lực
cơ động kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng Liên quân chiến
đấu Việt - Lào bố trí, triển khai tập trung vào khu vực đường 9. Trên hướng chủ
yếu (Bắc đường 9), ta sử dụng phần lớn lực lượng chủ lực Binh đoàn 70, Bộ đội
Đặc công,… bao vây, chia cắt, phản công, tiến công, tổ chức đánh các trận then
chốt tiêu diệt cánh Bắc cuộc hành quân của địch, trọng tâm là khu vực điểm cao
543, Bản Đông, kiên quyết ngăn chặn không cho địch phát triển lên Sê Pôn, bảo
vệ bằng được tuyến vận tải chiến lược. Trên hướng thứ yếu (Nam đường 9), ta sử
dụng chủ yếu các đơn vị thuộc lực lượng tại chỗ của Đoàn 559 kết hợp phòng ngự,
chốt chặn bảo vệ mục tiêu với tiến công tiêu diệt cánh quân bảo vệ sườn Nam
cuộc hành quân của địch tại Bản Ngan, điểm cao 619, v.v. Khu vực phía Đông, các
lực lượng của Mặt trận B5 gồm cả chủ lực, bộ đội địa phương và du kích tổ chức
tập kích, phục kích đường bộ, đường không, đánh cắt giao thông tiêu diệt sở chỉ
huy, căn cứ hậu cần địch ở Sa Mưu, Đông Hà, Ái Tử, Cửa Việt. Ở phía Tây, lực
lượng ta phối hợp với bạn Lào phản công, tiến công tiêu diệt địch ở Pha-đô-tuy,
Mường Pha Lan. Trong quá trình tác chiến, ta thường xuyên tổ chức điều chỉnh,
bổ sung lực lượng linh hoạt theo diễn biến và ý định, quyết tâm tác chiến của
Tư lệnh Mặt trận. Tổ chức phát động đảng bộ, chính quyền các địa phương, lực
lượng vũ trang, chính trị, binh vận trên toàn Mặt trận đẩy mạnh hoạt động phối
hợp tác chiến, mở rộng đấu tranh, tiến công ra tuyến ngoài chống địch bình
định. Như vậy, chúng ta đã kết hợp sử dụng hiệu quả bộ đội chủ lực với lực
lượng vũ trang tại chỗ, lực lượng vũ trang nước Bạn và lực lượng quần chúng,
phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm Chiến dịch giành thắng lợi.
Xây dựng khu vực phòng thủ là nhiệm vụ quan
trọng của cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn dân, toàn quân trong đó lực
lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung
xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về mọi mặt, trước hết là vững mạnh về
chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng
chiến đấu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và duy trì hoạt động của khu vực phòng thủ,
bảo vệ vững chắc địa bàn trong mọi tình huống. Lực lượng vũ trang trong khu vực
phòng thủ bao gồm: Lực lượng Quân sự, lực lượng Công an và Dân quân tự vệ. Đối
với lực lượng Quân sự, tổ chức xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh” gắn với
thực hiện Nghị quyết số 606-NQ/QUTW, ngày 16/6/2018 của Quân ủy Trung ương lãnh
đạo triển khai Kết luận số 16-KL/TW, ngày 07/7/2017 của Bộ Chính trị về tổ chức
lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021, phấn đấu đến năm 2025 hoàn
thiện việc điều chỉnh tổ chức biên chế, đến năm 2030 xây dựng hiện đại. Xây
dựng cơ quan quân sự cấp huyện, tỉnh vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”,
phát huy vai trò nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng
cường các biện pháp quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng, xây dựng và duy trì
hoạt động của khu vực phòng thủ. Thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng
cao trình độ chuyên môn quân sự, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho cơ quan, đơn
vị bộ đội địa phương; chú trọng nâng cao khả năng làm chủ các phương án, quyết
tâm tác chiến phòng thủ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự kiện chính
trị trọng đại, tìm kiến cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống cháy nổ, cháy
rừng, v.v. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân trên địa
bàn, Dân quân tự vệ, Công an xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, giữ vững
an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nghiên cứu, phát triển nghệ thuật
chiến tranh nhân dân địa phương, bảo đảm trang bị, phương tiện, động viên lực
lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.
Đối với lực lượng Dân quân tự vệ, xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”,
trang bị vũ khí, phương tiện ngày càng đồng bộ, hiện đại, là lực lượng chính
trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa
phương, sẵn sàng xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh ngay tại cơ sở, bảo
vệ vững chắc đảng, chính quyền, chế độ và tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ba là, chuẩn bị chiến trường chu
đáo, xây dựng thế trận phản công vững chắc, chuyển hóa linh hoạt - bài học sâu
sắc về xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ. Sau khi quyết định
mở Chiến dịch, Quân ủy Trung ương chỉ đạo Mặt trận gấp rút chuẩn bị chiến
trường, xây dựng thế trận tác chiến chiến dịch. Ban đầu ta bố trí, triển khai
thế trận sẵn sàng đối phó với cả hai tình huống: Địch hành quân ra đường số 9 -
Nam Lào và có thể tiến công ra Nam Khu 4, nhưng sau khi phát hiện hướng Nam Khu
4 là hướng địch nghi binh, ta chuyển trọng tâm bố trí lực lượng, phương tiện,
thiết bị chiến trường,… ở khu vực đường 9 - Nam Lào. Do đặc điểm địch tiến
công, tính biến động cao, ta tập trung dự kiến quyết tâm, kế hoạch phản công
tiêu diệt địch bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược Bắc - Nam và các mục tiêu
hậu cần trọng yếu ở khu vực này. Tổ chức nghiên cứu, trinh sát địa hình, nắm
chắc tình hình địch, lực lượng, phương tiện, trình độ tác chiến của bộ đội ta
và đặc điểm các mục tiêu chiến lược phải bảo vệ, trên cơ sở đó hình thành ý
định tổ chức thế trận phản công; kết hợp chặt chẽ giữa lập thế ta đi đôi với
phá thế địch, tiến hành các hoạt động tác chiến nghi binh, lừa địch, tạo điều
kiện chuẩn bị chiến trường, cơ sở vật chất, cơ động lực lượng triển khai đội
hình tác chiến.
Đầu tháng 02/1971 toàn bộ đội hình hành quân,
tiến công của địch triển khai tập kết ở khu vực đường 9 - Nam Lào đã bị ta bố
trí thành thế bao vây, sẵn sàng đón đánh cả hai cánh trên hai sườn (Bắc, Nam)
trục đường và phía trước, phía sau đội hình. Trên các hướng, nhất là hướng chủ
yếu (Bắc trục đường) ta bố trí hệ thống công sự bộ binh, trận địa hỏa lực pháo
binh, xe tăng, bảo đảm thông tin liên lạc đầy đủ cho cả lực lượng cơ động và
lực lượng tại chỗ theo các phương án phản công, tiến công, tập kích, phục kích,
sẵn sàng đánh địch cả đường bộ, đường thủy, đường không. Để tạo thế ta đi đôi
phá thế địch, lực lượng tại chỗ (các đơn vị Mặt trận Bắc Quảng Trị và Liên quân
Việt - Lào) thực hiện đánh cắt giao thông, tiến công các mục tiêu nằm sâu trong
hậu phương địch, nhằm nghi binh, kìm giữ, thu hút giam chân toàn bộ đội hình Sư
đoàn 3 quân Sài Gòn ở Bắc Quảng Trị; tổ chức chiến đấu tạo thế, phân tán lực
lượng địch trên hai hướng Đông, Tây đường 9, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội
chủ lực cơ động triển khai đội hình chiến đấu, hoàn thành công tác tổ chức
chuẩn bị, thực hành các trận đánh then chốt quyết định, tiêu diệt lớn quân địch
tại điểm cao 543, Bản Đông. Thắng lợi của lực lượng chủ lực cơ động tạo ra thế
và lực mới để lực lượng tại chỗ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tác chiến phối hợp
hiệu quả hơn. Cùng với đó, ta chú trọng xây dựng, bố trí hệ thống trận địa
phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, vừa bảo vệ tuyến giao thông vận tải
chiến lược, các mục tiêu trọng yếu, vừa bảo vệ đội hình tác chiến phản công
chiến dịch, góp phần chuyển hóa thế trận chung từ phản công địch sang thế trận
tiến công lớn tiêu diệt các mục tiêu, cụm mục tiêu chủ yếu, lực lượng quan
trọng của địch.
Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng yêu cầu
chiến tranh hiện đại, các tỉnh, thành phố cần kết hợp chặt chẽ giữa tiếp tục
hoàn thiện các công trình, thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ
theo quy hoạch, đề án, lộ trình đã xác định với nghiên cứu, phát triển, bổ
sung, nâng cấp các công trình quân sự, quốc phòng mới, hợp với thế trận tác
chiến phòng thủ quân khu hình thành thế trận tác chiến tổng thể ngày càng liên
hoàn, vững chắc, có chiều sâu; có thế đánh, thế giữ; đánh được địch cả phía
trước, bên sườn, phía sau, cả đường bộ, đường thủy, đường không, không gian
mạng và chuyển hóa thế trận linh hoạt từ phòng thủ, phòng ngự sang phản công,
tiến công, v.v. Tổ chức xây dựng, củng cố thế trận quân sự toàn diện, có trọng
tâm, trọng điểm, ưu tiên những công trình phòng thủ quan trọng, thiết yếu
trước; bảo đảm yêu cầu phù hợp với thế trận, phương án, quyết tâm tác chiến
phòng thủ của trên; nhiệm vụ, khả năng của địa phương; đặc điểm địa bàn; nghệ
thuật quân sự; biên chế vũ khí, trang bị; thế bố trí dân cư và phù hợp với các
chiến lược: Quốc phòng, Quân sự, Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Bảo vệ
biên giới quốc gia, v.v. Trong đó, chú trọng nâng cấp, xây dựng sở chỉ huy các
cấp; khu vực phòng thủ then chốt; căn cứ chiến đấu; trận địa pháo binh, phòng
không; căn cứ hậu phương, hậu cần, kỹ thuật; khu kinh tế - quốc phòng; các điểm
tựa, cụm điểm tựa, chốt dân quân tự vệ, đồn, trạm biên phòng ở khu vực biên
giới, địa bàn chiến lược trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Quá trình xây dựng
thế trận quân sự khu vực phòng thủ cần gắn kết chặt chẽ, bảo đảm đồng bộ, thống
nhất với xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng dân sinh; chú trọng các
công trình lưỡng dụng của địa phương, tạo tiền đề, thế trận thuận lợi thực hiện
phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”. Tiếp
tục nghiên cứu, phát triển, bổ sung công trình quốc phòng, quân sự khu vực
phòng thủ biển đảo, nhất là hệ thống nhà giàn trên biển, công trình phòng thủ các
huyện, thành phố đảo; tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ và ngụy trang
giữ bí mật theo đúng quy chế, quy định của pháp luật. Cùng với đó, cấp ủy,
chính quyền các cấp, nhất là các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp xây
dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh
nhân dân vững chắc trong khu vực phòng thủ; phát huy sức mạnh tổng hợp của các
thành phần thế trận, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn, bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, công tác bảo đảm hậu cần
Chiến dịch - bài học quan trọng trong xây dựng tiềm lực kinh tế khu vực phòng
thủ. Cùng
với xây dựng ý chí quyết tâm, tổ chức lực lượng, chuẩn bị thế trận tác chiến,
Bộ Tư lệnh Mặt trận còn chú trọng các biện pháp bảo đảm hậu cần phục vụ đầy đủ,
kịp thời nhiệm vụ tác chiến. Đến đầu tháng 01/1971, “dự trữ vật chất trên các
hướng chiến dịch đã lên tới 6 nghìn tấn đủ bảo đảm cho từ 5 đến 6 vạn quân tác
chiến trong 4 đến 5 tháng. Ngoài ra, trên các tuyến vận tải thuộc Đoàn 559 còn
dự trữ hơn 3 vạn tấn…”8 Đồng thời, các lực lượng công binh,
thanh niên xung phong,… tăng cường xây dựng mạng lưới giao thông, “làm thêm
đường số 10, nâng cấp, mở rộng đường 16, đường 129, mở thêm một số nhánh đường
mới”9, bảo đảm cho phương tiện cơ giới cơ động chiến đấu và vận
chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ tác chiến. Mạng lưới quân y
Chiến dịch hình thành trên cơ sở các bệnh viện, bệnh xá của Đoàn 559, Mặt trận
B4, B5 và các đội điều trị, đội phẫu thuật của Cục Quân y; lực lượng này có khả
năng thu dung, cấp cứu, điều trị ở tuyến 1 cho hàng nghìn thương binh. Nhờ
chuẩn bị tốt công tác hậu cần nên mặc dù địa bàn diễn ra Chiến dịch rộng, thời
gian tương đối dài, tính biến động cao, nhưng chúng ta vẫn bảo đảm đầy đủ, kịp
thời cho các hoạt động tác chiến, góp phần quan trọng đưa Chiến dịch đến thắng
lợi.
Kế thừa, phát triển, vận dụng bài học này
trong xây dựng tiềm lực kinh tế khu vực phòng thủ, cấp ủy, chính quyền các địa
phương cần quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng đô
thị, nông thôn bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy hoạch xây dựng thế trận quân
sự và các phương án, kế hoạch, quyết tâm tác chiến phòng thủ; các dự án phát
triển kinh tế - xã hội phải gắn với thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ,
đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng, an ninh cả trước mắt và lâu dài. Phát triển
nông nghiệp phải vừa bảo đảm an ninh lương thực cho nhu cầu của nhân dân, vừa
bảo đảm tích lũy cho nhu cầu khu vực phòng thủ năm đầu chiến tranh; quy hoạch,
bảo vệ rừng phải tạo thế bố trí, che giấu lực lượng vũ trang trong khu vực phòng
thủ; phát triển công nghiệp dân sinh trong thời bình đáp ứng yêu cầu sẵn sàng
tiếp nhận công nghiệp, chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an
ninh; tiếp tục điều chỉnh thế bố trí dân cư phù hợp với thế trận quân sự, thế
trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ. Quy hoạch,
phát triển mạng lưới giao thông, mạng lưới bưu chính viễn thông và công nghệ
thông tin,… phải bảo đảm tính lưỡng dụng vừa phục vụ mục đích dân sinh vừa phục
vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; chú trọng bảo đảm hệ thống đường cơ động kết
nối các thành phần trong thế trận quân sự khu vực phòng thủ với nhau và với các
tuyến đường chiến lược: Hồ Chí Minh, Trường Sơn, tuần tra biên giới, quốc phòng
ven biển; có kế hoạch phòng, chống tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử
của địch, bảo đảm thông tin vững chắc trong mọi tình huống. Tiếp tục nghiên cứu
hoàn thiện thủ tục pháp lý các khu đất quốc phòng, gắn quy hoạch khai thác, bảo
vệ tài nguyên, môi trường với quy hoạch, xây dựng thế trận quân sự; coi trọng
xây dựng hệ thống kho dự trữ đáp ứng yêu cầu phòng thủ của các địa phương theo
quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia. Chủ động xây dựng và kết hợp tổ chức
luyện tập, diễn tập các kế hoạch, phương án động viên phương tiện, vật chất của
nền kinh tế quốc dân cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong diễn tập khu vực
phòng thủ tỉnh, huyện, chiến đấu phòng thủ xã, phường, nhằm nâng cao khả năng
xây dựng và huy động tiềm lực kinh tế xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh
trong thời bình cũng như khi có chiến tranh.
Chiến dịch đường 9 - Nam Lào nói chung, chiến
thắng của Chiến dịch nói riêng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ
thuật lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hành chiến dịch phản công
hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; nổi bật là một số bài học về phát huy yếu tố
chính trị - tinh thần, sử dụng lực lượng, xây dựng thế trận và bảo đảm hậu cần.
Những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần
tiếp tục được nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong xây
dựng khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
1 - 42.000 quân (33.000 quân Sài Gòn, 9.000
quân Mỹ), tổ chức thành 11 trung đoàn bộ binh (10 trung đoàn quân đội Sài Gòn,
01 trung đoàn quân Mỹ), 02 thiết đoàn thiết giáp, 16 tiểu đoàn pháo binh… và 09
tiểu đoàn thuộc hai binh đoàn (GM30, GM33) ở Sê Nô - Lào.
2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước
1954 - 1975, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 277.
3 - Thư của Ban Chấp hành Trung ương gửi cán
bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trên Mặt trận đường số 9, ngày
31/3/1971, Hồ sơ 594, Cục Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
4 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước
1954 - 1975, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 252.
5 - Chỉ thị 009/QUTW do Bí thư Quân ủy Trung
ương Võ Nguyên Giáp ký ngày 09/02/1971, Hồ sơ 594 - Cục Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
6, 7 - Sđd, tr. 259.
8 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam
1945 - 1975, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 366 - 367.
9 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 254.